Biên phòng - Chúng tôi đến thăm nhà bà Chu Thị Mai, già làng, người có uy tín ở xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), bà nổi tiếng không chỉ bởi vốn tri thức, mà còn là người sở hữu nhiều vốn quý từ di sản văn hóa dân tộc. Tại đây, nhiều thiếu nữ trong bản cũng đang đến nhờ bà chỉnh trang trang phục, trang sức và nhờ bà truyền dạy cho những khúc hát giao duyên mới.
Đối với người phụ nữ Dao, vào những lúc nông nhàn, họ lại chăm chỉ quay sợi, xe tơ để dệt vải, làm ra những bộ váy áo màu sắc bắt mắt, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc mình. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm áo dài, yếm, quần dài, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức. Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao phải trải qua những công đoạn rất công phu và tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời mới xong. Với sự cầu kỳ trong khâu vá và lấy màu chàm đen, màu trắng làm chủ đạo, trang phục của phụ nữ dân tộc Dao tạo nên nét riêng trong trang phục đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.
Bà Chu Thị Mai từng bước tỉ mỉ chỉ bảo cho các cô gái về trang phục truyền thống. Bà Mai cho biết, áo phụ nữ Dao tại xã Quang Thành thường may dài thân, xẻ tà và có nẹp nhỏ thêu hình hoa văn với các màu sắc xanh, đỏ. Khuy áo được làm bằng những đồng bạc, chạm trổ khá công phu, móc lại với nhau thành hình chéo. Còn tay áo được khâu theo dạng tay ống và thêu nẹp bằng hoa văn. Để trang phục được kín đáo hơn, họ dùng một khuôn vải hình tam giác đính vào gần cổ áo để làm yếm. Người phụ nữ Dao còn dùng dây lưng được dệt bằng sợi bông và chỉ với độ dài khoảng 2m quấn sát vòng eo ôm gọn lấy người để dễ dàng khi lên nương, làm rẫy.
Trong cộng đồng người Dao, chỉ có duy nhất phụ nữ Dao tiền là mặc váy. Váy của phụ nữ Dao tiền dài gần đến mắt cá chân và dùng sáp ong vẽ trang trí hình tròn, hình tam giác hay những họa tiết gần gũi với thiên nhiên cây cỏ.
Chị Bàn Thị Hoàng, ở xã Quang Thành cho hay: “Phụ nữ Dao tiền rất thích mặc trang phục truyền thống, mỗi khi có dịp lễ, Tết, đám cưới, phụ nữ Dao tiền đều chuẩn bị trang phục thật đẹp. Tôi cũng rất tự hào khi khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình”.
Điểm nhấn đầu tiên trên trang phục của người phụ nữ Dao tiền là chiếc khăn trắng đội đầu dài khoảng từ 3m. Ở phía dưới khăn được thêu một số hoa văn, hoạ tiết hình vuông bằng chỉ ngũ sắc. Khi đội khăn, phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu, hơi hướng về phía trước và khéo léo quấn hai đuôi tai khăn vắt chéo qua trán, kín gáy và gần kín hai tai, tạo thành hình chữ bát.
Để tạo nét duyên trong trang phục, thiếu nữ Dao tiền thường tô điểm cho mình bằng vòng tay, vòng cổ bằng bạc với nhiều họa tiết tinh xảo. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu một chiếc khăn trắng, điểm xuyết trong đó là những hoa văn đầy sắc màu, cầu kỳ, trẻ trung. Khi đi chơi hội, thiếu nữ Dao tiền thường vắt chéo khăn qua vai, vừa tạo sự duyên dáng, vừa khoe khéo bàn tay tài hoa, tháo vát thông qua các chi tiết, đường nét của đường kim, mũi chỉ.
Theo phong tục người Dao, con gái trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá, tự tay dệt váy cưới cho mình. Trong hội Xuân, các chàng trai cũng lấy trang phục mà người con gái Dao tiền mặc làm tiêu chuẩn để chọn vợ, kết bạn. Bên cạnh tự lo cho mình trang phục truyền thống, thiếu nữ Dao thường tìm đến những già làng để xin lời khuyên, qua đó điều chỉnh trang phục sao cho đẹp và phù hợp với bản thân. Các cô gái còn nhờ già làng truyền dạy cho những câu hát giao duyên mới.
Với người Dao tiền thì các hình thức như hát giao duyên, hát răn dạy, hát mời rượu và hát tiễn đưa được gọi là hát páo dung. Các làn điệu páo dung đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
Trong suốt mùa lễ hội, nam thanh, nữ tú người Dao tiền đi hội rất đông nhưng lại khá kín đáo trong chuyện giao tiếp. Đôi lứa thường tế nhị mượn lời những câu hát giao duyên để thay cho nỗi lòng muốn bày tỏ. Thông qua câu hát đó mà đôi lứa tìm được người bạn ưng ý, khi đó đôi bên mới ra mặt trò chuyện thân mật hơn. Tình yêu trong hát giao duyên của trai gái người Dao tiền vừa sâu sắc, vừa tế nhị, kín đáo.
Xưa kia, lễ giáo phong kiến và mê tín dị đoan ràng buộc tình yêu đôi lứa, nhiều đôi yêu nhau không đến được với nhau, vì vậy, họ an ủi, trách thương qua lời hát, họ khát khao tự do yêu đương vượt lên trên lễ giáo phong kiến. Các cuộc hát giao duyên diễn ra sôi nổi với những làn điệu khác nhau, lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ. Mục đích chính của các cuộc hát này là để thưởng thức tài nghệ của nhau nên nội dung hát thường là ca ngợi sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khỏe và công việc đồng áng.
Hôm nay về với Quang Thành, về với lễ hội của người Dao tiền, du khách bắt gặp những thiếu nữ Dao tiền trong trang phục lộng lẫy và được nghe các cô tự tin hát lên câu hát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách đầy tự hào như lời tự bạch về bản thân và mời gọi những chàng trai độc thân tham gia lễ hội cùng hát vang những lời ca tôn vinh tình yêu lứa đôi: “Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau/ Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên/ Và em thấy lòng mình bình yên...!”.
Ngọc Ánh