Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 07:08 GMT+7

Nét đẹp tình yêu vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất đều chắt chiu và gây dựng nên những phong tục, tập quán phù hợp với địa bàn cư trú và giao lưu cộng đồng, xã hội. Đó chính là dòng chảy văn hóa được bắt nguồn từ cội nguồn, được nuôi dưỡng và phát huy suốt chiều dài lịch sử.

 6379.gif
 Hình ảnh quen thuộc ở chợ tình Sapa, Lào Cai. Ảnh: Internet.

Những phong tục hôn lễ truyền thống, mô hình gia đình truyền thống gắn với tập quán vòng đời, tập quán cư trú và ứng xử xã hội của các dân tộc thiểu số Việt Nam chính là những giá trị bản sắc cần được phát huy để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay. Những phong tục đó có thể có những nét không còn phù hợp, không còn phổ biến, nhưng đó mãi là những tín hiệu của truyền thống muốn nhắn gửi tới mai sau để chiêm nghiệm, chắt lọc và cùng suy ngẫm. Đó vẫn là những bài học về lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với cộng đồng về nhân sinh quan, thế giới quan trong hôn nhân và gia đình ở vùng dân tộc thiểu số mà thế hệ trẻ cần nghiêm túc học hỏi.

Trai gái Giẻ-Triêng đủ tuổi thì được phép tìm vợ tìm chồng, người con trai vào rừng săn bắn, lấy đầu thú về treo lên vách nhà rông. Con thú càng dữ thì chàng trai càng được dân làng kính trọng. Nhìn vào số đầu thú biết chàng trai có tài săn bắn đến đâu, đủ sức làm chồng làm cha, đủ sức chiến đấu bảo vệ buôn làng hay không. Còn các cô gái, khi đến tuổi thì vào rừng chặt 100 bó củi gùi về. Nhìn vào những bó củi, người ta biết cô gái ấy có khéo léo đảm đang, có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông dệt vải hay không...

Người Vân Kiều sống ở miền núi phía Tây hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, hôn nhân và gia đình cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số anh em, song có điều khác là trước hôn nhân, quá trình kết bạn tình lại rất lãng mạn. Theo tập quán cũ, con trai con gái vào tuổi 15 - 17 trở đi là đến tuổi đi tìm bạn tình, lựa chọn hôn nhân cho mình chứ không qua mai mối. Thanh niên nam nữ thường rủ nhau ra chòi canh trên nương rẫy xa làng hoặc tới những cánh rừng nẻo suối ưng ý, thuận tiện cho việc tâm tình.

Theo quan niệm của người Mường xưa, trai chưa vợ, gái chưa chồng có quyền tự do gặp gỡ không phải là ở ngoài rừng mà là ở tại phòng riêng của cô gái trên nhà sàn, có thể ngủ lại đó suốt đêm hay ra về lúc nửa đêm về sáng tùy ý thích của chàng trai và thuận tình của cô gái mà không có bất kỳ điều tiếng căn vặn gì.

Với người Mông, hôn nhân bao giờ cũng là kết quả tình yêu đôi lứa, một vợ một chồng, thủy chung son sắt, bền chặt suốt đời. Những cuộc kéo vợ, bắt vợ, cướp vợ cùng những tục lệ khe khắt kèm theo, cũng ẩn chứa những giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả và là kết quả của tình yêu đôi lứa sống hài hòa gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ. Kéo vợ, cướp vợ hay bắt vợ có thể sánh với việc tự do tìm chọn bạn đời trong hôn nhân ở vùng đồng bào Mông từ xa xưa tới ngày nay.

Vào các đêm trăng sáng, tại nhà rông Gia Rai, bếp lửa sàn luôn đỏ. Đó là tín hiệu mời mọc trai tân gái son tụ về. Từng tốp, từng người lên cầu thang với niềm hứng khởi và hồi hộp lạ thường. Những đêm cộng đồng như vậy là duyên cớ cho ánh mắt tìm nhau, cho nụ cười trao nhau, cho lời ca, điệu múa, tiếng nhạc ngụ ý tặng nhau và cân đo đong đếm các phép thử của cung bậc tình cảm nam nữ. Tuy ngủ chung dưới mái nhà rông và dù có yêu nhau thắm thiết bao nhiêu chăng nữa, các cặp trai gái vẫn không vượt quá giới hạn cho phép của luật tục. Khắt khe hơn, trước kia ai vi phạm, cặp đôi nào trót nhỡ, sẽ bị phạt nặng, có trường hợp bị đuổi ra khỏi cộng đồng buôn làng.

Theo phong tục của người Hà Nhì Đen ở Lào Cai, thanh niên nam nữ không đi tìm bạn vào phiên chợ như ở nhiều dân tộc khác, họ có một lễ hội tình yêu riêng: Hội trùm chăn. Khi đôi bên thuận tình thì hai người bí mật rủ nhau vào sâu trong rừng rồi cùng trùm một tấm chăn kín mít. Rất nhiều đôi cùng trùm chăn như vậy ở nhiều nơi trong cánh rừng cấm. Tục lệ cho phép họ tùy nghi tình tự như vậy cho đến khi mãn hội. Nhiều đôi sau lễ hội trùm chăn đã nên vợ nên chồng.

Người Cơ Tu có tập tục lạ là, khi tìm chọn bạn tình, trai gái được tự do cùng nhau ngủ duông. Tục ngủ duông không diễn ra quanh năm mà có mùa đi duông nhất định. Thường là sau mùa gặt hái nương rẫy, khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, họ mở hội cúng lúa mới tạ ơn Yàng. Sau lễ hội, từng cặp nam nữ rủ nhau đến nhà duông, chung sống tình tự. Đây là dịp đôi bên được tự do quấn quýt bên nhau, giãi bày tâm sự trong một chốn riêng tư biệt lập mà không ai làm phiền được họ.

Ngày nay, tuổi trẻ các dân tộc thiểu số có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp thu những giá trị văn hóa và văn minh vào đời sống gia đình. Nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp của tình yêu hôn nhân từ ngàn đời để lại vẫn là những dấu son tô thắm cho hạnh phúc và khát vọng của gia đình mới. Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số không quên lãng, quay lưng lại với những giá trị bản sắc của truyền thống, coi đó là nền tảng, là điểm tựa cho mình trên chặng đường tìm kiếm, thiết lập, tạo dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình bền vững hôm nay.

Ngô Quang Hưng

Bình luận

ZALO