Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 09:42 GMT+7

Nét đẹp nơi vùng biên Ia Chia

Biên phòng - Từ nhiều năm qua, BĐBP Gia Lai luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng địa bàn biên giới ổn định và phát triển. Các đồn Biên phòng vừa là chỗ dựa vững chắc, vừa là “cầu nối” rất đáng tin cậy giữa nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và giữa nhân dân hai bên biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chia tặng bò giống và làm chuồng trại giúp gia đình anh Rơ Châm Toan. Ảnh: Thái Nam

Ở Đồn Biên phòng Ia Chia, nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại Biên phòng, ngoại giao nhân dân, tăng cường giao lưu kết nghĩa giữa các khu dân cư hai bên biên giới được đẩy mạnh, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no…

Mỗi năm một hộ thoát nghèo bền vững

Thiếu tá Hoàng Long, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Chia chia sẻ với chúng tôi: “Quyết tâm của cấp ủy, Ban Chỉ huy đồn là trong một nhiệm kỳ phải giúp cho 2-3 hộ gia đình trên địa bàn xã Ia Chia thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, tùy vào tình hình địa bàn và điều kiện thực tế của đơn vị, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương phấn đấu mỗi năm giúp một hộ gia đình thoát nghèo, hoặc chí ít là thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo ra cơ sở vững chắc để bà con vươn lên. Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình, chúng tôi quyết tâm không để một ai bị bỏ lại quá xa ở phía sau…”.

Cách đây gần 5 năm, gia đình anh Rơ Mah Ky (sinh năm 1985), ở làng Nú 2, xã Ia Chia, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai được Đồn Biên phòng Ia Chia lựa chọn xây dựng mô hình “thoát nghèo bền vững”. Bước đầu tiên, đồn tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng bằng cách hỗ trợ 200 cây điều giống và các công đoạn kỹ thuật. Cũng cần nói thêm, trước đây, gia đình sở hữu khoảng 2ha đất rẫy, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, manh mún nên phần lớn diện tích đất vẫn còn bỏ hoang.

Được đồn Biên phòng hướng dẫn lựa chọn cây trồng phù hợp, hỗ trợ ngày công làm đất, xuống giống, chăm bón giúp anh Rơ Mah Ky từng bước tiếp cận các công đoạn kỹ thuật để mạnh dạn mở rộng diện tích vườn điều qua từng năm. Đến nay, toàn bộ diện tích đất trống của gia đình Rơ Mah Ky trên núi Chư Ram, cách làng Nú 2 khoảng 6km đã được phủ xanh cây điều và bắt đầu cho thu hoạch, tạo nguồn thu nhập từ 40-50 triệu đồng mỗi năm.

“Thừa thắng xông lên”, tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn, Đồn Biên phòng Ia Chia tiếp tục hỗ trợ gia đình anh Rơ Mah Ky phát triển chăn nuôi bằng cách gây dựng lại đàn bò. Được biết, trước đây, hộ gia đình người dân tộc thiểu số Jrai này đã được các mạnh thường quân hỗ trợ bò giống. Tuy nhiên, do lựa chọn giống không phù hợp nên bò sau đó đã bị chết, chuồng trại đến nay vẫn bỏ trống. Thiếu tá Hoàng Long chia sẻ: “Sắp tới, đồn sẽ tiếp tục hỗ trợ bò giống và ngày công để sửa sang chuồng trại chăn nuôi cho gia đình anh Rơ Mah Ky. Rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi sẽ chọn lọc bò giống từ đàn bò của đơn vị, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và khả năng của bà con, đảm bảo giúp gia đình thoát nghèo một cách bền vững nhất…”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chia hướng dẫn kỹ thuật trồng điều cho anh Rơ Châm Toan, ở làng Beng, xã Ia Chia. Ảnh: Thái Nam

Cũng với cách làm tương tự, Đồn Biên phòng Ia Chia tiếp tục lựa chọn hộ gia đình anh Rơ Châm Toan (sinh năm 1991), ở làng Beng để xây dựng mô hình “thoát nghèo bền vững”. Tại đây, đồn tặng gia đình anh Toan con bò giống trị giá 15 triệu đồng và hỗ trợ ngày công làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Với sự đồng hành chia sẻ của người lính, kinh tế gia đình anh Rơ Châm Toan đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Hơn 1ha vườn tạp ngày nào giờ đây đã được “lấp đầy” bằng màu xanh của cây điều, bò giống đồn tặng cũng đã sinh sản, mang đến những tín hiệu tích cực cho gia đình trên con đường thoát nghèo vươn lên.

Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới

Bên cạnh “tiếp sức” cho nhân dân thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, Đồn Biên phòng Ia Chia còn làm tốt vai trò “nhịp cầu” kết nối tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới. Có thể nói, xã Ia Chia là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện công tác đối ngoại với chính quyền và nhân dân nước bạn Campuchia, trong đó, điểm sáng là mô hình kết nghĩa cụm dân cư làng Bía, xã Ia Chia với làng Phí, xã Sesan, huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri (Campuchia).

Từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng Ia Chia đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành tốt chính sách, pháp luật của mỗi nước, cũng như các văn bản liên quan đến biên giới quốc gia đã được ký kết giữa hai nước. Đơn vị tham mưu cho UBND xã Ia Chia và Ban nhân dân làng Bía tổ chức các chuyến thăm, giao lưu, trao đổi tình hình, tặng quà, hỗ trợ vật chất, y tế cho phía bạn và tiếp đón các đoàn của bạn sang thăm. Thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên này, bà con làng Bía tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình làng Phí trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Việc đẩy mạnh giao lưu kết nghĩa giữa các khu dân cư hai bên biên giới đã tạo tiền đề thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy chế khu vực biên giới; phối hợp giải quyết những vụ việc nảy sinh có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế, xã hội, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Siu Phim, Thôn trưởng làng Bía, xã Ia Chia vui vẻ cho biết: “Bà con làng Bía của mình và làng Phí ở Campuchia vốn có mối quan hệ thân tộc gần gũi từ bao đời nay nên việc tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa hai bên là rất cần thiết. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Chia đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con qua lại thăm thân, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng đến cuộc sống tốt đẹp nhất, góp phần xây dựng biên giới ngày càng ổn định và phát triển…”.

Thái Nam

Bình luận

ZALO