Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 03:18 GMT+7

Nét đẹp miền biên giới

Biên phòng - Năm nay, tiết trời Tây Nguyên thật lạ. Đã sắp đến mùa “con ong đi lấy mật” mà cái lạnh vẫn còn vương vấn đâu đây trên đất rừng biên giới. Thi thoảng “ông Yàng” lại trở mình, rắc xuống mấy hạt mưa xuân làm cho cái nắng mùa khô như dịu lại. Thời tiết mát mẻ dễ chịu là thế, lại được sống trong không khí ấm áp tình người nơi vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai), khiến tôi có cảm giác mảnh đất này đâu phải “gần mặt trời, xa nguồn nước” như người ta vẫn gọi...

 44917-(2).gif Bộ đội và nhân dân làng Moóc Đen 2 quây quần bên mâm cỗ ngày xuân.
Câu quan họ trên ngôi làng biên giới

 “Người ơi người ở đừng về...”. Trong hơi men ngất ngây mùa xuân, câu hát của chàng trai Gia Rai ở làng Moóc Đen 2, xã Ia Dom nghe sao bùi ngùi, bịn rịn. Dẫu biết, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay, song vẫn thấy “cái bụng” đâu đã muốn đi, ngọn lửa tình người vẫn đang bùng cháy trong ngôi nhà cộng đồng kia nên bước chân người lính còn ngập ngừng lưu luyến. Thôi thì đành phải hẹn mùa xuân sau, cho thỏa cái tình...

Quả thực, nếu không được “du xuân” cùng những người lính Công ty 72, Binh đoàn 15, không trực tiếp “tay vít cần mà không dám... uống” thì có lẽ thật khó để tôi cảm nhận được nét đẹp trong veo thấy rõ lòng người như thế, để rồi càng thêm thấm thía bài học “nhiều cùng” trong công tác dân vận của những người lính Cụ Hồ. Đại tá Võ Phước Nguyên, Bí thư Đảng ủy Công ty 72 vui vẻ cho biết: “Địa bàn đứng chân của Công ty có 16 buôn làng và khi năm hết Tết đến, làng nào cũng như làng nào, đơn vị đều chăm lo mâm cỗ cộng đồng như thế.

Bên cạnh đó, Công ty còn hỗ trợ 300 ngàn đồng cho mỗi hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số gắn kết với công nhân (toàn đơn vị hiện có 846 cặp hộ gia đình gắn kết-PV), cùng với khoản kinh phí trích từ quỹ của các đội sản xuất để lo cho bà con đón xuân thật vui vẻ ấm cúng. Sự trợ giúp này và chủ trương đưa cán bộ xuống làng ăn Tết với bà con không chỉ góp phần giải quyết khó khăn đối với những hộ gia đình nghèo, mà còn có tác dụng giúp bà con tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế tình trạng uống rượu bia say, gây mất trật tự an ninh nông thôn và an toàn giao thông trên những ngôi làng biên giới...”. Mâm cỗ Tết cộng đồng của những chủ nhân đất rừng biên giới bình dị nhưng cũng đầy đủ hương vị ngày xuân. Kinh phí đã được Công ty hỗ trợ, bà con người thì góp công góp sức, nhà nào khá hơn chút xíu thì góp thêm ché rượu cần, tập trung đông đủ tại nhà cộng đồng của làng để vui chơi ca hát.

Thượng úy Tôn Thất Nhật, Đội trưởng Đội sản xuất số 16, Công ty 72 tâm sự: “Những ngày trước và trong Tết, anh em chúng tôi lúc nào cũng có mặt tại làng, bởi ở đó, nhiều chương trình dành cho mình lắm. Lo cho mâm cỗ cộng đồng xong, lại đi chúc Tết bà con trong làng, rồi đem số gạo các hộ gia đình gắn kết đóng góp được chia cho người nghèo trên địa bàn. Đội 16 đứng chân trên địa bàn rộng gồm 2 ngôi làng, thuộc 2 xã biên giới là làng Tên (xã Ia Pnôn) và làng Nú xã (Ia Nan) nên có thể nói là đến Tết chạy mãi không hết việc. Vất vả chút nhưng được sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng, bộ đội và nhân dân quây quần trong một ngôi nhà, tự nhiên thấy mình như khỏe ra để tiếp tục chuyến hành trình ngày Tết...”.

Hũ gạo niềm vui

Phong trào gắn kết giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai tại các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 từ nhiều năm qua. Thực tế đã cho thấy, sức lan tỏa của phong trào là rất rộng lớn, qua đó khẳng định chủ trương nhất quán, sáng suốt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.  Theo nhịp thời gian, phong trào gắn kết phát triển đa dạng hơn về nội dung và cách triển khai thực hiện, nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa bàn dân cư, song bản sắc thì vẫn vẹn nguyên như cái thuở ban đầu “gắn kết để cùng nhau phát triển”. Tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết dân tộc không ngừng được xây dựng, củng cố vững chắc trên khắp các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thông qua các hoạt động kết nghĩa đỡ đầu, tối lửa tắt đèn, sướng khổ no đói có nhau. Từ những việc làm rất đời thường trong cuộc sống như hỗ trợ cho nhau bịch muối, cân gạo, tập vở, cuốn sách, nhắc nhở, góp ý nhau chuyện sinh hoạt gia đình, giữ gìn vệ sinh thôn bản, đến chuyện trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật trong lao động sản xuất và chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để bộ đội, công nhân và bà con cùng sẻ chia với nhau. 

 98117-(1).gif
 Hũ gạo gắn của hộ gia đình công nhân Lê Thị Hạnh, Đội 16, Công ty 72.

 

Đại tá Võ Phước Nguyên nhấn mạnh với chúng tôi rằng: Việc gắn kết hộ gia đình sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để Công ty tập trung hướng về buôn làng, chăm lo tốt hơn nữa đời sống cho bà con. Từ phong trào này, nhiều cách làm hay và hiệu quả mang đậm tính nhân văn xuất hiện ngay tại buôn làng như mô hình làm lúa nước ở làng Sơn, làng Tung; phong trào trồng nấm ở xã Ia Pnôn, hay việc Công ty cho vay vốn không lãi suất để phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn 22 thôn, làng đơn vị đứng chân. Phương châm đề ra của phong trào “gắn kết hộ” là để cùng nhau phát triển, song những người lính ở đây còn muốn nhiều hơn thế nữa để có thể sẻ chia cho cộng đồng.

Mô hình “hũ gạo gắn kết” hiện đang được triển khai sâu rộng trong toàn Công ty 72 là nét đẹp hội đủ giá trị chân - thiện - mỹ. Hai phần gạo chia đều cho mỗi lần vào bếp (một cho bữa ăn gia đình mình và một cho hũ gạo gắn kết), người công nhân lao động muốn gửi gắm vào đó cả tấm lòng với niềm mong ước cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp hơn. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, hũ gạo đầy rồi lại vơi không chỉ làm ấm lòng những gia cảnh nghèo khó, mà còn là bài học giáo dục truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm là rách” cho con cháu trong gia đình mình. Chị Lê Thị Hạnh, công nhân Đội 16, Công ty 72 tâm tình với chúng tôi: “Ở địa bàn này, nhà nào cũng có hũ gạo gắn kết nên cứ sau vài tháng lại cùng nhau mang xuống các buôn làng hỗ trợ cho bà con, vui lắm. Nhà tôi kết nghĩa với hộ gia đình anh Kpui Thel ở làng Nú, xã Ia Nan. Hai bên thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Năm vừa rồi, bên cạnh hỗ trợ về giống và kỹ thuật giúp anh ấy trồng 3ha mì, hơn 2ha cao su, vợ chồng tôi còn cho mượn 30 triệu đồng để an cư lạc nghiệp. Hiện nay, do gia đình Kpui Thel còn khó khăn nên số gạo góp hàng ngày, chủ yếu dành để giúp anh ấy, còn khi cuộc sống khá hơn, “hũ gạo gắn kết” sẽ tập trung giúp những gia đình nghèo trên địa bàn”.

Dấu ấn của phong trào “gắn kết hộ” không chỉ in đậm trong hơi thở cuộc sống vùng biên, mà còn mang lại rất nhiều niềm vui cho các chủ nhân nơi buôn làng. Tính đến nay, các hộ gia đình công nhân người Kinh trong Công ty 72 đã hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số trồng được 185ha cao su tiểu điền, cải tạo vườn tạp, diện tích canh tác lúa nước, phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng rau xanh, phát triển vườn cây ăn quả dài ngày... Từ đó, mở ra nhiều cơ hội để vùng biên Đức Cơ “chuyển mình” vươn lên. Niềm vui trên những mảnh vườn cũng chính là niềm tin của buôn làng dành cho Bộ đội Cụ Hồ - những người luôn biết trăn trở lo toan và đồng hành với bà con các dân tộc trong suốt cuộc hành trình thoát nghèo vươn lên, dựng xây cuộc sống mới.

 

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO