Biên phòng - Paresi là bộ tộc sinh sống tại khu vực rừng xavan giữa sông Pareci và Jurruena, bang Mato Grosso, Brazil. Người Paresi nói ngôn ngữ của bộ tộc Arawakan xưa và là một trong những bộ tộc đại diện ngôn ngữ và văn hóa của bộ tộc Arawakan trước đây ở vùng Nam Mỹ và Caribe.
Theo các ghi chép lịch sử, những người thợ đào vàng bang Mato Grosso đã phát hiện lãnh thổ bộ tộc Paresi vào thế kỷ 18. Hiện nay, dân số của bộ tộc Paresi ước tính khoảng 20.000 người. Ngành nghề chính của bộ tộc Paresi là làm nông nghiệp và buôn bán đồ thủ công dệt từ lông vũ và bông. Người Paresi canh tác theo lối du canh du cư và trồng phần lớn các loại nông sản như ngô, đậu, khoai lang, dứa, sắn ngọt và đắng, khoai mỡ, thuốc lá và bông. Sau thời gian canh tác khi đất kém màu mỡ, người Paresi sẽ di chuyển cả ngôi làng đến các khu vực thảo nguyên dọc hai sông Pareci và Jurruena.
Trước đây, người Paresi thường săn hươu, nai và các động vật khác trong rừng; ngày nay, người Paresi chăn nuôi lợn, gà và vịt. Người Paresi là một trong số ít người da đỏ Nam Mỹ thuần hóa ong. Bộ tộc nuôi ong trong những quả bầu có hai lỗ, một lỗ để ong chui vào và lỗ kia được bịt kín bằng sáp để lấy sáp ong ra. Bộ tộc Paresi se các sợi bông để đan túi xách, địu trẻ em, võng và thắt lưng.
Mặc dù nói ngôn ngữ của bộ tộc Arawakan xưa, nhưng khoảng 90% người Paresi biết nói tiếng Bồ Đào Nha. Hiện nay, tiếng Bồ Đào Nha được người Paresi sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và y tế. Do sự hòa nhập với văn hóa của Brazil, nên cuộc sống của người Paresi có sự thay đổi về ngôn ngữ và tập quán văn hóa.
Các ngôi làng của bộ tộc Paresi có 10 đến 30 ngôi nhà xây có mái vòm hình tròn được lợp bằng tranh. Thành viên trong các gia đình đều ngủ trên võng treo mắc trên xà nhà. Mỗi làng thuộc bộ tộc Paresi có một túp lều để dân làng thực hiện các nghi lễ. Mỗi ngôi làng đều có trưởng làng và một thầy cúng. Người Paresi thường tạo ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau; có những loại nhạc cụ được coi là linh thiêng - đặc biệt là những chiếc sáo lớn, được cất giữ trong túp lều nghi lễ và là nhạc cụ mà phụ nữ bị cấm nhìn thấy.
Đàn ông Paresi chỉ mặc khố, phụ nữ mặc váy bông ngắn gắn lông vũ và đeo khuyên mũi bằng lông vũ. Cả đàn ông và phụ nữ Paresi đều có truyền thống xăm mình. Theo truyền thống, đàn ông và phụ nữ Paresi được hứa hôn từ khi còn nhỏ. Trước đây, người Paresi theo chế độ đa thê; còn trong đời sống hiện đại, bộ tộc Paresi tuân thủ theo chế độ một vợ một chồng.
Người Paresi theo thuyết vật linh, tin rằng rừng và sông là nơi sinh sống của các linh hồn. Những người bị bệnh trong làng đều được thầy cúng chữa trị bằng các cây thuốc trong rừng. Khi người bệnh qua đời, họ sẽ được chôn cùng túp lều và tài sản của họ. Bộ tộc Paresi cũng có nhiều câu chuyện thần thoại phong phú. Một trong những thần thoại thường được kể lại là về nguồn gốc của bộ tộc. Theo đó, người Paresi sinh ra từ một tảng đá gần sông Rio Sangue. Khi những người Paresi đầu tiên ra đời, họ đã thổi sáo và nhảy múa cùng với các loài vật xung quanh.
Kể từ thế kỷ 18, khi tiếp xúc với thế giới hiện đại, dân số của bộ tộc Paresi giảm dần cùng với việc mai một các văn hóa truyền thống. Những năm trở lại đây, thanh niên Paresi đang dần có ý thức duy trì và bảo tồn nền văn hóa của bộ tộc mình. Nhiều thanh niên Paresi đã tổ chức các chuyến tham quan dành cho khách du lịch trải nghiệm lối sống văn hóa và mối liên kết với thiên nhiên của bộ tộc tại các khu bảo tồn. Trong các chuyến tham quan, du khách còn được hướng dẫn viên người Paresi giới thiệu về tảng đá liên quan đến thần thoại về nguồn gốc của bộ tộc Paresi.
Thu Minh