Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Nền tảng phát triển vững chắc trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản

Biên phòng - Trải dài gần nửa thế kỷ, mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản từng bước trở thành một biểu tượng vững bền không chỉ riêng tại châu Á, mà còn trên toàn thế giới.

Hình ảnh khởi động chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản (1973-2023). Ảnh: ASEAN

Niềm tin vững chắc

Nhiều năm qua, ASEAN luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới với sự đoàn kết hiếm có, không chỉ trong nội bộ các nước thành viên, mà còn gắn kết vững bền với các quốc gia đối tác, tiêu biểu trong đó là mối quan hệ Đối tác chiến lược với Nhật Bản.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản luôn ủng hộ sự đoàn kết ASEAN và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Nhật Bản cũng là quốc gia tôn trọng và luôn đóng góp có trách nhiệm vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, có thể kể đến như: Cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3); cơ chế cấp cao Đông Á (EAS); cơ chế đối thoại an ninh hàng đầu giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương (ARF); cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và các nước đối tác - đối thoại quan trọng của ASEAN (ADMM+)...

Ở chiều ngược lại, ASEAN luôn coi trọng Nhật Bản là đối tác tin cậy, không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản trở thành mối quan hệ ý nghĩa và toàn diện nhất của ASEAN trên nhiều lĩnh vực, chung ý chí hướng tới hòa bình, thịnh vượng, gắn kết chân thành. ASEAN cũng luôn đánh giá cao Nhật Bản là đối tác thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu của khu vực, đóng góp vai trò quan trọng trong các tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn của đại dịch Covid-19 vừa qua, Nhật Bản cũng đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19, đặc biệt là tài trợ 50 triệu USD chung tay thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Trước các biến động, thách thức của thế giới nói chung và khu vực nói riêng, ASEAN và Nhật Bản luôn cùng ý chí trong việc thượng tôn tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, cũng như đề cao các giá trị và nguyên tắc chung về quan hệ bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, tin cậy, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm định hướng quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và hạn chế nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản luôn khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngay trong tương lai gần, ASEAN và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ vào năm 2023 với rất nhiều kỳ vọng sự kiện lịch sử này sẽ ghi thêm nhiều dấu ấn phát triển mới, cũng như đạt được những bước đột phá mới trên chặng đường dài tiếp theo. Dự kiến, ASEAN và Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao nhân dịp kỷ niệm này tại Nhật Bản.

Di sản cho tương lai

Bình luận về quan hệ ASEAN - Nhật Bản, giới chuyên gia chính trị châu Á đánh giá, trong chặng đường nửa thế kỷ, thời kỳ ASEAN và Nhật Bản gặt hái nhiều thành tựu phát triển quan hệ nhất là giai đoạn “xứ sở mặt trời mọc” được lãnh đạo bởi cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Trong số các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, ông Abe là người có chương trình hành động rõ ràng nhất nhằm thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Trong gần 8 năm điều hành đất nước, ông Abe đã đưa quan hệ của Nhật Bản với ASEAN đạt được sự phát triển bền chắc như hiện nay. Đặc biệt, những di sản mà ông Abe để lại sau thời gian cầm quyền cũng trở thành nền tảng vững chắc cho những người kế nhiệm tiếp tục thúc đẩy các bước phát triển mới.

Nhìn lại 5 nguyên tắc “vàng” trong “Học thuyết Abe”, thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử của Nhật Bản khẳng định, nước này muốn nâng tầm vóc của mình trên trường quốc tế, thì việc đầu tiên phải làm là tăng cường vị thế Nhật Bản đối với ASEAN. Trong đó, phải gắn kết chặt chẽ an ninh, thịnh vượng và tương lai của Nhật Bản với một ASEAN thống nhất, hùng cường, đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực.

Giới chuyên gia dẫn giải, khi nhậm chức Thủ tướng lần thứ 2 vào năm 2012 (sau lần đầu tiên chỉ vỏn vẹn 1 năm vào năm 2007), ông Abe đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Điều này là minh chứng rõ nét cho sự coi trọng ASEAN của ông Abe. Trong chuyến công du này, tại Indonesia, ông Abe đã công bố “Học thuyết Abe” trong quan hệ với Đông Nam Á với 5 nguyên tắc lớn nhất.

Trước hết, Nhật Bản cùng các nước ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát, như tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người. Tiếp đó, đảm bảo hợp tác với các nước ASEAN rằng, các vùng biển tự do và mở là tài sản chung quan trọng nhất, được điều chỉnh bởi luật và quy tắc chứ không phải bằng vũ lực. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư, bao gồm các luồng hàng hóa, tiền tệ, con người và dịch vụ, thông qua các mạng lưới quan hệ đối tác kinh tế vì sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và sự thịnh vượng của cả Nhật Bản và các nước ASEAN. Học thuyết Abe cũng đề cao bảo vệ và nuôi dưỡng các di sản và truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á. Ngoài ra, cần thiết phải thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ Nhật Bản và ASEAN.

Giới chuyên gia khẳng định, ASEAN - Nhật Bản có được mối quan hệ thành công như ngày nay là nhờ một phần rất lớn vào 5 nguyên tắc của Học thuyết Abe nêu trên. Hơn hết, thành quả này đã và đang tiếp tục có vai trò như “kim chỉ nam” định hướng cho quan hệ ASEAN - Nhật Bản tiếp đà phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO