Biên phòng - “Bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân” - phương châm chỉ đạo đó tuy mới được đề cập trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, nhưng đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và trở thành cội nguồn sức mạnh, yếu tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới
- Phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ, quản lý chủ quyền biên giới
- Lực lượng BĐBP đã thể hiện bản lĩnh, ý chí, trách nhiệm cùng với các lực lượng và nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả
Cội nguồn sức mạnh lòng dân
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy một chân lý, sự hưng thịnh hay tồn vong của các triều đại phong kiến luôn gắn liền với sức mạnh và niềm tin của nhân dân. Có được lòng dân là có tất cả, chân lý ấy đã được minh chứng rõ nét trong công cuộc đánh đuổi ách đô hộ của các thế lực xâm lược ngoại bang, góp phần quan trọng giữ yên biên cương, bờ cõi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tiêu biểu cho tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong thời đại phong kiến Việt Nam là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ XIII. Vị danh tướng rường cột của nhà Trần đã đề cao quan điểm “chúng chí thành thành” (tạm dịch là ý chí của dân chúng là bức tường thành vững chắc nhất).
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau đó cũng đã khẳng định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước” và “việc nhân nghĩa cốt để yên dân”... Chính tư tưởng đó đã trở thành “kim chỉ nam” để Nguyễn Trãi cùng với Lê Lợi tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi hoàn toàn, đánh bại quân Minh, giành lại biên cương, bờ cõi của Tổ quốc.
Tiếp nối tư tưởng “lấy dân làm gốc” của các vị tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương sáng ngời về coi trọng sức mạnh lòng dân. Trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2, Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, ngày 8-12-1956, Người cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết để hiệu triệu sức mạnh to lớn đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên những thắng lợi vẻ vang, tạo tiền đề cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
“Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng “thế trận lòng dân”, biểu hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh vô địch của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019
Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ biên giới
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của các thế hệ cha ông đi trước và kế thừa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) đã quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”. Luật Biên giới quốc gia (năm 2003) cũng đã nêu rõ: “Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”.
Gần đây nhất, Luật Biên phòng Việt Nam (năm 2020) quy định: “Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Đặc biệt, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã nêu rõ: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Thực tiễn đã cho thấy, trong 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây và BĐBP ngày nay luôn coi trọng và phát huy sức mạnh lòng dân, dựa vào nhân dân để củng cố vững chắc nền móng biên phòng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Với những cách làm sáng tạo và hiệu quả, lực lượng BĐBP đã tham mưu cho các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện nhiều mô hình, phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
“Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia”.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia
Điển hình là, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đến nay, trên tuyến biên giới đất liền đã thành lập và duy trì hàng nghìn tổ tự quản đường biên, cột mốc với hạt nhân là đồng bào các dân tộc sinh sống dọc biên giới. Ở khu vực biên giới biển, mô hình tổ tàu thuyền đoàn kết cũng đã phát huy có hiệu quả, góp phần giúp ngư dân tương trợ lẫn nhau trong khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, phương châm nhất quán ấy của cán bộ, chiến sĩ BĐBP chính là sự kế thừa sáng tạo của tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Để làm được điều đó, những người lính mang quân hàm xanh không chỉ gần dân, tin dân, hiểu dân mà còn phải luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những cách làm hay, mô hình sáng tạo nhằm chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, giữ gìn bình yên của bản làng biên giới. Và những thành quả của sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã minh chứng rõ nét cho sức mạnh lòng dân mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn hết sức coi trọng và bền bỉ thực hiện trong 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Lê Hữu Tình