Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Nên làm gì khi thường xuyên bị sếp từ chối ý tưởng?

Biên phòng - Sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đã thúc đẩy nhu cầu của xã hội tăng lên ở các ngành nghề, công việc. Điều này không những giúp chất lượng sản phẩm ngày càng đi lên mà còn góp phần xây dựng môi trường doanh nghiệp cạnh tranh và chuyên nghiệp. Vì lý do này mà đối với các nhóm ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo thì càng cần phải không ngừng đổi mới thông qua các ý tưởng mỗi kỳ. Việc sáng tạo và thực hiện ý tưởng không chỉ quan trọng ở khâu chuẩn bị mà còn được quyết định bởi bước kiểm duyệt đến từ vị trí cao hơn vì thế nên không ít lần bạn rơi vào tình huống liên tục bị sếp từ chối ý tưởng và phải làm lại.

Để tránh dẫn đến tâm lý chán nản thì bài viết dưới đây sẽ chia sẻ 5 điều bạn cần làm khi thường xuyên bị sếp từ chối ý tưởng.

Nghiêm túc hơn ở khâu trình bày

Nghiêm túc là một yếu tố vô cùng quan trọng trong bất kỳ ngành nghề nào thế nhưng ở góc độ sáng tạo nó còn giá trị hơn vì thể hiện sự tâm huyết với công việc hiện tại. Mặc dù ý tưởng của bạn có vẻ tốt nhưng do sự thiếu nghiêm túc, hời hợt dẫn đến khâu trình bày không được trau chuốt, hấp dẫn. Đây là một trong những điểm trừ khá lớn mà cấp trên không muốn nhìn thấy ở các bản vẽ, sản phẩm mẫu, mô hình… vì nó làm giảm đi tính chuyên nghiệp của cả doanh nghiệp nói chung. Vì thế ý tưởng cuối cùng nộp cho cấp trên phải là phiên bản hoàn thiện và nghiêm túc nhất so với ý tưởng tồn tại trong suy nghĩ.

Không vội vàng sửa đi sửa lại

Một thói quen thường gặp phải ở nhân viên đó là khi bị sếp từ chối ý tưởng sẽ ngay lập tức bắt tay vào sửa theo đúng ý của sếp một cách thiếu khoa học và có phần đối phó. Ngay sau đó kết quả có được sẽ là những chắp vá không hài hòa và chắc chắn sếp sẽ tiếp tục từ chối ý tưởng đó. Trưởng phòng Nhân sự công ty Tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink chia sẻ, điều bạn cần làm lúc này là bình tĩnh xem lại toàn bộ quá trình sáng tạo của bản thân từ những bước đầu tiên nhất, sau khi sửa phải bảo đảm sự thống nhất của sản phẩm và thận trọng ở những chi tiết phức tạp. Tránh trường hợp vừa bị từ chối lại sinh ra tâm lý ức chế, rất dễ biến ý tưởng thú vị ban đầu trở nên tệ hại.

Hãy hỏi sếp lí do

Tùy vào đặc thù và tính chất mỗi công việc mà ý tưởng sáng tạo thường được đánh giá theo nhiều tiêu chí khác nhau. Vì thế đối với những sản phẩm bị sếp liên tục từ chối qua mỗi lần sửa lại thì bạn không nên tiếp tục ngồi đó và đoán mò lí do. Thay vào đó bạn cần thẳng thắn đặt câu hỏi với sếp về cách thức cũng như chất lượng sản phẩm của bạn. Thường thì sếp sẽ không chỉ rõ ra bạn sai ở đâu mà sẽ để bạn tự nhìn ra bằng những lời nhận xét có ý đồ. Đừng sợ khi phải hỏi điều này, bạn cần sự định hướng đúng đắn để mang lại cho doanh nghiệp những sản phẩm chất lượng trong thời gian ngắn nhất.

Tham khảo các đánh giá khách quan

Đôi khi bạn sẽ cần hỏi ý kiến của những người khác thay vì chỉ chăm chăm vào việc tự mình sửa chữa. Những ý kiến khách quan của đồng nghiệp, bạn bè là tổng hợp đánh giá đa chiều với ý tưởng của bạn đặc biệt là đối với những người có ý tưởng được duyệt thì ý kiến của họ càng thực tế và có giá trị hơn. Bạn đừng lo đồng nghiệp sẽ so sánh, đánh giá thấp bạn, chỉ cần bạn cầu thị và lắng nghe thì không những ý tưởng của bạn sẽ chặt chẽ và có chiều sâu hơn mà mối quan hệ với những người xung quanh cũng sẽ được cải thiện cho những lần chia sẻ tới.

Đừng đánh mất cái riêng

Nhiều người vì liên tục bị sếp từ chối ý tưởng mà có xu hướng ngại thể hiện nét riêng biệt, giá trị cá nhân vào trong sản phẩm mà thay vào đó sẽ là sự phục tùng và khuôn mẫu. Bạn cần hiểu rõ ngành nghề bạn đang làm là sự phát triển dựa trên những khuynh hướng khác biệt để tạo ra giá trị phù hợp cho xã hội. Vì vậy đánh mất cái riêng đồng nghĩa với việc bạn đang buông xuôi công việc của mình, đồng thời thể hiện khả năng chịu áp lực kém. Vì vậy bạn cần nắm rõ thế mạnh của bản thân khi sáng tạo ý tưởng, đồng thời luôn giữ được bản sắc cá nhân mà vẫn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.

Trên đây là 5 điều bạn cần làm khi thường xuyên bị sếp từ chối ý tưởng. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp hiểu rõ hơn về công việc cũng như cách xử lý ở trường hợp tương tự.

Tiến Huy

Bình luận

ZALO