Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 05:59 GMT+7

Nên làm gì khi được giao nhiệm vụ ngoài chuyên môn?

Biên phòng - Tại nơi làm việc, sẽ có những lúc bạn được cấp trên yêu cầu đảm nhận thêm những công việc khác. Điều này sẽ chẳng có gì to tát nếu như đó không phải là công việc nằm ngoài chuyên môn của bạn. Một số người sẽ cảm thấy không hài lòng vì phải chịu trách nhiệm cho phần việc không nằm trong bản mô tả đã thỏa thuận trước đó. Nhưng thay vì tiếp tục than vãn, bạn hãy xem đây là một cơ hội để chứng minh năng lực của bản thân ở những lĩnh vực mới. Đừng bỏ qua các gợi ý sau để “xử lý” gọn gàng những việc ngoài chuyên môn được giao nhé!

Tự đánh giá năng lực bản thân

Cấp trên giao thêm công việc mới là cơ hội tốt để bạn thể hiện năng lực và ghi điểm. Sự nỗ lực và cố gắng hết mình cho công việc này là điều cần thiết. Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng đây là những nhiệm vụ bạn chưa từng làm trước đó nên nếu cứ ôm việc thì rất có thể sẽ không hoàn thành đúng tiến độ thậm chí còn ảnh hưởng đến các công việc khác.

Để chắc chắn điều xấu nhất không xảy ra bạn nên xem xét đến hai vấn đề trước khi nhận. Thứ nhất, bạn cần quan tâm xem công việc đó là gì? Có quan trọng và cấp bách hay không? Có khó giải quyết không? Thứ hai, bạn xem xét đến năng lực bản thân. Bạn có bất kỳ kinh nghiệm nền tảng hoặc liên quan đến công việc này trước đó không? Quỹ thời gian của bạn còn đủ để giải quyết nhiệm vụ này đúng hạn không? Bạn có cần nhờ thêm sự giúp đỡ của người khác? Cố gắng làm một công việc ngoài khả năng sẽ khiến bạn liên tục gặp căng thẳng và không còn năng lượng để giải quyết những việc quan trọng khác.

Tìm sự hỗ trợ từ chính sếp và đồng nghiệp

Một công việc ngoài chuyên môn chắc chắn bạn chưa từng có kinh nghiệm làm qua. Hiểu sai nguồn gốc vấn đề, bạn có thể chọn một phương pháp sai để thực hiện dẫn đến hao tổn công sức và thời gian. Vì thế, nếu chưa biết phải bắt đầu từ đâu hãy chân thành hỏi sự định hướng từ cấp trên để hiểu rõ tình chất công việc và có phương pháp triển khai tối ưu nhất. Tùy vào phong cách lãnh đạo của cấp trên mà bạn có thể tìm ra cách tiếp cận hiệu quả nhất.

Lên kế hoạch thực hiện

Bất kỳ công việc nào cũng cần một kế hoạch rõ ràng để thực hiện suôn sẻ và tránh gặp rủi ro. Với một công việc nằm ngoài chuyên môn lại các cần thiết hơn cả. Vì bạn thường sẽ tốn nhiều thời gian cho nó hơn bình thường.

Bạn cần xét xem công việc này có gấp hay không? Có tốn nhiều thời gian thực hiện hay không? Sau đó, bạn cân nhắc về khung thời gian hiện có để thực hiện. Nếu công việc cần gấp, bạn cần ưu tiên thực hiện trước và dành cho nó một khung thời gian hợp lý để triển trai và kiểm tra kết quả sau khi hoàn thành. Luôn nhớ rằng, bạn vẫn còn những công việc trọng yếu phải làm nên đừng tập trung quá vào nhiệm vụ mới mà quên mất trách nhiệm chính nhé!

Đúc kết kinh nghiệm

Sau khi hoàn thành công việc như yêu cầu, bạn cần dành vài phút để đánh giá khả năng giải quyết những công việc ngoài chuyên môn của mình như thế nào: Bạn hoàn thành nó có đúng hạn không? Hạng mục nào tốn nhiều thời gian nhất? Bạn có cân bằng được với việc chuyên môn hiện tại không? Cấp trên đánh giá thành phẩm như thế nào?... Trả lời được các câu hỏi này, bạn sẽ khám phá ra được những khả năng mới của bản thân và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho những lần sau. Nếu có được giao tiếp những nhiệm vụ tương tự thì nó không còn nằm ngoài chuyên môn của bạn nữa.

Có kinh nghiệm làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau là một lợi thế rất lớn mà bạn cần nắm bắt, rèn luyện nếu muốn nâng cao năng lực và giá trị bản thân trên thị trường lao động. Do đó, hãy luôn coi những công việc ngoài chuyên môn được giao như là cơ hội để bạn tích lũy kinh nghiệm cho con đường sự nghiệp trong tương lai. Chỉ cần bạn luôn tỉnh táo để xem xét và tìm phương hướng giải quyết tốt nhất thì bất cứ việc gì bạn cũng có thể làm được.

Mai Hương

Bình luận

ZALO