Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 04:24 GMT+7

Ném pao - trò chơi duyên tình của người Mông

Biên phòng - Mỗi độ Xuân về, khi bản làng tổ chức vui hội, rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống được đồng bào Mông tổ chức như đánh tu lu, đánh yến, đẩy gậy, leo cây..., nhưng phổ biến nhất và thu hút đông người chơi nhất vẫn là trò chơi ném pao (pó po). Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, có từ lâu đời và được truyền lại đến ngày nay, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn cao đẹp của đồng bào Mông.

7f0g_22a
Thiếu nữ Mông chơi ném pao trong lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Thanh Thuận

Trò chơi độc đáo

Đối với đồng bào Mông, quả pao (lu po) gắn bó với họ suốt cuộc đời từ khi còn thơ bé cho đến khi về già. Người Mông thường chơi ném pao trong các ngày lễ, Tết, các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, lễ Say Sán, lễ mừng nhà mới, lễ cúng bản... Bà Mua Thị Xính, ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: “Không biết quả pao và trò chơi ném pao có từ khi nào, chỉ biết khi chúng tôi sinh ra đã thấy người ta chơi nó và cứ thế học theo, chơi theo. Quả pao thể hiện sự mềm mại, vừa là trò chơi, vừa là vật trang sức của phụ nữ Mông trong các cuộc vui. Một người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết se lanh, dệt vải may váy và làm quả pao tốt. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Người đàn ông Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao của người con gái đó”.

Nói đến quả pao là nói đến sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của người phụ nữ Mông. Quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ. Chỉ cần nhìn vào quả pao, các chàng trai sẽ biết cô gái ấy có tính cách như thế nào, khéo léo hay cẩu thả, chăm chỉ hay lười biếng. Các cô gái Mông sẽ tự tay cắt, nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh, vải vụn và bông để tạo độ nẩy, phồng và mềm mại cho quả pao. Quả pao đều nhồi hạt lanh bởi theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Khi khâu vải phải cuộn thật chặt, sau đó lại lấy miếng vải to khác khâu bọc lại, khâu bọc bên ngoài 2 đến 3 lần, khi nào thấy căng tròn mới được. 

Có người chỉ làm quả pao một màu, nhưng có người lại làm thành quả pao với màu sắc sặc sỡ. Những cô gái Mông rất sáng tạo khi làm ra quả pao có nhiều màu sắc đẹp mắt. Họ không chỉ dùng vải thổ cẩm để khâu, mà còn dùng những chuỗi vòng màu xanh, đỏ, vàng, trắng đính ở các góc của quả pao, cuối cùng là điểm những tua rua màu hồng, trắng cho quả pao càng nổi bật hơn, khi tung lên cao, quả pao sẽ lấp lánh rực rỡ sắc màu. Ngày nay, để tạo sắc màu cho quả pao, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sự mềm mại cho quả pao. Quả pao của các thiếu nữ thường to, có màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn, bé hơn và có màu đen.

Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng, tương đối bằng phẳng của thôn. Người chơi được chia làm hai đội nam - nữ, đứng quay mặt vào nhau với khoảng cách 5 đến 7m. Những người này có thể là người cùng bản hoặc là người khác bản, tuy nhiên người Mông có điều cấm kị tuyệt đối những người cùng dòng họ chơi ném pao. Cách chơi pao từ xưa đến nay vẫn giữ được bản sắc vốn có của nó. Khi ném pao, người chơi ở hàng bên này tung quả pao cho người ở hàng bên kia bắt. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải làm một điều gì đó do đội thắng quy định.

Ném pao là trò chơi đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó bao điều thú vị. Đây là trò chơi thể hiện tinh thần, bản sắc cộng đồng người Mông. Các cô bé, cậu bé chơi ném pao theo từng nhóm để tìm niềm vui, hay rèn luyện đôi tay dẻo dai, chắc khỏe, con mắt quan sát tinh tường và phản xạ nhanh, phán đoán chính xác. Người lớn chơi ném pao để giải trí, để giao lưu, tìm kiếm người yêu, bạn đời. Trò chơi ném pao cũng là dịp để nhiều người gặp lại nhau, cùng trò chuyện, chia sẻ. Trò chơi này giúp cho cộng đồng người Mông gắn bó, sống đoàn kết hơn.

Ném pao tìm tình duyên

Người Mông đến với hội ném pao không chỉ để vui chơi, giải trí, mà còn để tìm kiếm người yêu, người bạn đời lý tưởng. Trong cuộc chơi ném pao, khi thích ai đó, các chàng trai, cô gái sẽ tung quả pao của mình về phía người đó và họ cùng nhau ném qua, ném lại hàng giờ, cả ngày mà không biết chán. Nếu cô gái ưng chàng trai nào, họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao và lấy cớ để đem quả pao đến nhà hoặc tìm gặp cô gái để bày tỏ tình cảm, khi thấy hợp nhau, họ sẽ cùng hẹn hò và trở thành người yêu của nhau. Những ánh mắt, nụ cười và quả pao tung đi, bắt lại nhịp nhàng sẽ mách bảo trái tim của họ những điều thầm kín để khi cuộc chơi kết thúc cũng là lúc các chàng trai, cô gái Mông đã lựa chọn cho mình một người yêu phù hợp. Nếu không có tình cảm với nhau, họ sẽ nhường pao cho người khác bắt hoặc để pao rơi xuống đất. 

t9ba_22b
Những quả pao rực rỡ sắc màu. Ảnh: Thanh Thuận

Trong tác phẩm  “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài với vốn hiểu biết của mình qua những chuyến đi thực tế thâm nhập vào đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã viết nên tác phẩm vô cùng đặc sắc, mang đậm màu sắc dân tộc. Trong đó, phong tục tập quán mang nét đặc trưng của người Mông được biểu hiện qua những câu hát quen thuộc: “Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu quả pao rơi rồi” hay “Em yêu người nào, em bắt pao nào...”. Những câu hát bình dị mở ra không gian của mùa Xuân Tây Bắc với trai gái dập dìu chơi pao, ném pao, tìm bạn tình tha thiết. Chính màu sắc dân tộc đó đã làm cho tác phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt và sức sống với thời gian như là một nét đẹp văn hóa dân tộc.

Sau khi chơi ném pao đã tìm được bạn tình thì người Mông bắt đầu kéo vợ. Đã có những cặp vợ chồng sống trọn đời với nhau đến già chỉ qua cuộc gặp gỡ vui hội đánh pao. Có những cuộc tình gặp gỡ sau hội ném pao không thành đôi nhưng để lại những hoài niệm khó phai trong cuộc đời người Mông.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO