Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

70 năm thành lập NATO:

NATO chao đảo trong rạn nứt

Biên phòng - Ngày 4-4 đánh dấu 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trải qua 70 năm tồn tại, NATO đang có dấu hiệu suy yếu khi đang phải đối mặt với các vấn đề chính sách an ninh, không thể duy trì sự đoàn kết nội bộ khối.

bwzg_11a
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Quốc hội Mỹ, ngày 3-4. Ảnh: Reuters

Cách đây 70 năm, ngày 4-4-1949, 12 nước, trong đó có 10 nước châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Ireland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ đã ký tại Washington Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, với mục đích ban đầu là trở thành “đối trọng” nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của Liên Xô. 

Sau khi Liên Xô tan rã đầu thập niên 1990, người ta tưởng chừng vai trò của NATO không còn cần thiết nữa và do đó có thể bị giải tán. Nhưng gần 30 năm qua, mặc dù có những lúc khủng hoảng về chức năng và lãnh đạo, NATO không những vẫn tiếp tục tồn tại mà còn phát triển. Từ 12 quốc gia thành viên, NATO lại bắt đầu chính sách mở rộng, sáp nhập ồ ạt các thành viên ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc. Tổ chức này năm 2004 tăng lên 26 nước, năm 2009 lên 28 thành viên và con số hiện nay đã là 29. 

Tất cả những động thái của NATO, từ mở rộng sang phía Đông, thiết lập các cơ sở của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các nước Đông Âu, tăng cường hiện diện quân sự tại Baltic... đều bị Nga coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia. NATO và Nga luôn trong tình trạng hoài nghi và dè chừng nhau, và thực sự hai bên đã bước vào cuộc đối đầu mới thời “hậu Chiến tranh lạnh”. Căng thẳng hai bên đặt an ninh toàn cầu trước nhiều rủi ro, nhất là châu Âu bị biến thành “thùng thuốc súng hạt nhân” mà mọi toan tính sai lầm hay nóng vội đều có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự, khi Nga và NATO hầu như sở hữu toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của thế giới.

Mặc dù bày tỏ không muốn một cuộc chạy đua vũ trang hay một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Nga, song Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 3-4, vẫn khẳng định NATO sẽ có hành động tự vệ khi cần thiết. “Chúng ta không muốn một  cuộc chạy đua vũ trang mới. Chúng ta không muốn một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, chúng ta không được ngây thơ”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh. 

Ông Jens Stoltenberg cảnh báo Quốc hội Mỹ về mối đe dọa do “một nước Nga biết tự khẳng định mình hơn” đặt ra đối với NATO, trong đó có cái bị cho là những vi phạm của Moskva đối với Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF). Ông Jens Stoltenberg nêu rõ: “NATO không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất tại châu Âu. Tuy nhiên, NATO sẽ luôn có những bước đi cần thiết để tạo ra sự răn đe có hiệu quả và đích thực”.

Hiện nay, một trong những rạn nứt mà NATO đang phải đối mặt là “cuộc chiến” giữa Mỹ và châu Âu về đóng góp chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO, đặc biệt là Đức, “ăn bám” sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ “đi một mình” nếu các nước châu Âu không tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, hiện Đức đã tăng gần 40% chi tiêu quốc phòng từ năm 2014 và là một trong những nước đóng góp quân hàng đầu cho NATO. “Người châu Âu biết rằng họ cần đảm bảo trách nhiệm lớn hơn cho chính an ninh của mình. Điều đó phục vụ chính lợi ích của chúng tôi”, ông Heiko Maas nhấn mạnh. 

Trước những rạn nứt ngày càng sâu sắc trong nội bộ NATO, trong lời kêu gọi bảo vệ sự đoàn kết giữa 29 quốc gia thành viên, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh, NATO đã từng vượt qua những bất đồng trong quá khứ và cũng phải làm được điều này trong tương lai. 

Thu Uyên

Bình luận

ZALO