Biên phòng - Chị đảm trách vai trò Tổng Giám đốc điều hành một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lại là Phó Chủ tịch Hội từ thiện Trái tim Vàng, thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp người nghèo ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Mọi người thắc mắc không biết lấy đâu ra sức lực để cùng một lúc chị hoàn thành hai trọng trách vốn không hề “nhẹ”, chị hồn hậu chia sẻ, mỗi lần được tham gia hoạt động thiện nguyện là một lần chị đã “nạp” thêm cho mình năng lượng quý. Nhờ vậy, càng làm từ thiện càng thấy khỏe, càng đi, sức lực càng tăng lên nhiều. Chị là Hà Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên An Phú, kiêm Phó Chủ tịch Hội từ thiện Trái tim Vàng thành phố Hồ Chí Minh.
Những hành trình “nạp” năng lượng
“Lần đó, cơ thể tôi như mất hết năng lượng vì vừa trải qua đợt phẫu thuật chữa bệnh. Công ty thì rối bung do một số nhân viên kinh doanh kém hiệu quả, còn gây nhiễu loạn tình hình. Từ bệnh viện trở về, nhìn cảnh công ty, lòng rất buồn nhưng tôi vẫn “dẹp” lại tất cả, quyết định ra Phú Yên làm từ thiện như kế hoạch đã định trước. Vậy mà, sau chuyến làm từ thiện trở về, thấy lòng nhẹ tênh, đầu óc như sáng suốt hơn, mọi việc xử lý khá thông suốt” - Cẩm Vân mở đầu câu chuyện.
Dù có thể hoãn lại, chị vẫn không muốn lỗi hẹn với các chiến sĩ Biên phòng và bà con vùng biển Phú Yên. Chị Cẩm Vân cho biết, lúc chưa nằm viện, nghe đề nghị của anh Đăng Bảy, Trưởng ban Đại diện Báo Biên phòng khu vực phía Nam, chị đã thống nhất với anh em Hội từ thiện sẽ dẫn đoàn ra Phú Yên để giúp BĐBP hỗ trợ cho người nghèo ven biển đón Tết.
Chuyến từ thiện dịp cuối năm rất gấp gáp ấy cứ tưởng sẽ “đánh gục” chị đang trong tình cảnh cả thể chất, tinh thần bất ổn, nhưng ngược lại, sự đồng cảm trong nghĩa cử đến với bà con nghèo được gặp ở những người lính Biên phòng đã tiếp thêm cho chị sức lực, khiến đôi chân của chị càng đi, càng khỏe.
Hồi đó, Phú Yên vừa trải qua đợt bão, tiếp đến là lũ. Ngày đoàn từ thiện đến, khắp nơi là những cánh đồng trắng nước, những người dân nghèo phờ phạc, hốc hác. Nhiều gia đình làm thuê kiếm cơm hằng ngày, nhưng lúc này không ai thuê mướn. Vì thế, khi được nhận quà, họ không giấu được niềm vui. “Trên đường về thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ mình rất đúng khi ra với Phú Yên thời điểm ấy. Chuyến đi như xóa tan những mệt mỏi để tôi dồn năng lượng cho điều lớn hơn, bao dung hơn. Đó cũng là lúc, cái ước muốn làm giàu, kiếm ra được nhiều tiền để giúp những người nghèo càng thôi thúc tôi mãnh liệt” - Chị Cẩm Vân trải lòng.
Hơn 10 năm từ lúc tham gia công tác từ thiện, giữ vai trò Trưởng ban Công tác xã hội Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, cho đến khi đảm nhận trách nhiệm Phó Chủ tịch Chi hội từ thiện Trái tim Vàng thành phố Hồ Chí Minh, bước chân của chị Cẩm Vân và những người bạn cùng hội đã in dấu trên khắp các vùng quê dọc chiều dài đất nước, trong đó có hơn một nửa các chuyến đi hướng về biên giới, vùng bãi ngang ven biển.
Nhắc chuyện kết nối với BĐBP, chị cho biết, năm 2006, sau một chuyến đi từ thiện ở một vùng biên giới Tây Nam, chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của người dân nơi này, khi trở về thành phố, một số thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn bàn nhau, cần phải có những chương trình thiết thực hơn để giúp người dân nghèo ở khu vực biên giới. “Dù đất nước có nhiều vùng còn khổ nhưng biên giới, vùng biển là nơi đầu sóng, ngọn gió, bà con bám trụ nơi này chắc chắn sẽ gian khổ hơn, khó khăn hơn”.
Ngay sau đó, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã kết nối với Cục Chính trị BĐBP xây dựng chương trình “Doanh nhân Sài Gòn với nghĩa tình biên giới”. Từ đây, các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tham gia đóng góp nguồn kinh phí, còn BĐBP góp sức giúp dân làm nhà. Chương trình đã xây dựng mới, sửa chữa hàng ngàn căn nhà cho bà con khu vực biên giới, vùng biển có nơi ở ấm áp, an cư lạc nghiệp.
Từ khi tham gia xây dựng Hội từ thiện Trái tim Vàng rồi đảm trách vai trò Phó Chủ tịch hội, mỗi tháng, chị cùng các thành viên trong hội đều tổ chức ít nhất một chương trình từ thiện, khi thì làm cầu, xây nhà; lúc lại đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo hiếu học, quyên góp tiền giúp đỡ cho các bé bị bệnh tim, người già neo đơn, mua xe đạp tặng các em nhỏ đến trường.
Những địa danh xa xôi, heo hút như xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), cổng trời Đắc Blô (Kon Tum), huyện miền núi Vân Canh (tỉnh Bình Định), chị kể lại vanh vách. Hình ảnh những người dân nghèo khó nhọc mưu sinh trong mùa mưa lũ ở các huyện dọc tuyến biên giới miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, đến tận “cuối trời đất nước” ở Cà Mau, hay ở Bến Tre đều in sâu vào trong trí nhớ của người nữ Tổng Giám đốc này. Nghe ai đó nhắc lại những cảnh đời khốn khó là chị lại mủi lòng, yêu thương trào dâng.
Sống trong chữ Tâm
Chị Cẩm Vân cho biết, từ hai bàn tay trắng đến khi trở thành Tổng Giám đốc, điều hành một doanh nghiệp có thương hiệu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chị đã có một quá trình không ngừng nỗ lực, mày mò tự học, tự vận động. Những trải nghiệm trong cuộc đời giúp chị đúc kết: “Bất kỳ ai, muốn sự nghiệp thành công vững chắc và ngày càng phát triển, trước hết phải sống có Tâm. Và, trong kinh doanh cần giữ vững chữ Tín với khách hàng”.
Sau 15 năm kể từ ngày thành lập, vượt qua môi trường kinh doanh cạnh tranh quyết liệt, chị đã trụ vững và đưa Thiên An Phú đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Ba năm đoạt giải Doanh nghiệp tiêu biểu và Doanh nhân tiêu biểu, do UBND thành phố Hồ Chí Minh trao tặng. Chị cũng đồng thời là nhà cung cấp giải pháp và thiết bị công nghệ thông tin uy tín ở khắp các tỉnh từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Từ lợi nhuận kinh doanh, hằng tháng, Tổng Giám đốc Cẩm Vân đều dành hẳn một khoản kinh phí của công ty để góp quỹ, cùng các thành viên Chi hội Trái tim Vàng làm từ thiện. “Tâm nguyện giúp đỡ người nghèo khó đã ăn sâu trong huyết quản của mình, tôi thực sự yêu thích công việc này” - Chị Cẩm Vân nói.
Trên sổ nhật ký ghi chép các chương trình thiện nguyện, riêng năm 2017, tổng số tiền do chị và những bạn bè, thành viên trong hội tham gia và quyên góp để mua quà trao cho người nghèo, tham gia xây nhà, làm cầu, tặng xe đạp cho học trò nghèo đã lên đến 1,6 tỷ đồng.
Phương Oanh