Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Nặng trĩu hai tiếng “cố hương”

Biên phòng - Tôi có vinh dự được gặp gỡ và quen biết những con người vô cùng tài năng và tâm huyết đang ngày đêm miệt mài cống hiến trên các lĩnh vực thiên văn học, nghệ thuật và tài chính trong những buổi gặp mặt kiều bào và thân nhân về đón Xuân quê hương tại Hội Liên lạc Việt kiều thành phố Hải Phòng. Cùng với thời gian, tình quê sâu đậm hòa tình người bao dung, tấm lòng của những người con xa xứ ấy vẫn nặng trĩu hai tiếng “cố hương” mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

z3x9_18b
Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu giảng dạy về vật lý thiên văn tại Đại học quốc gia Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Từ dải Ngân Hà trên đỉnh núi Phù Liễn

Khi còn ấu thơ, cậu bé Nguyễn Quang Riệu thường theo bạn bè lên đài thiên văn trên đỉnh núi Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng. Nhìn lên bầu trời đầy sao với dòng sông Ngân Hà trong truyền thuyết Thần Nông, cậu bé đã ước mơ sẽ có ngày khám phá được những bí ẩn của vũ trụ. Năm 1950, khi mới tròn 18 tuổi, Nguyễn Quang Riệu đã lên đường du học tại Đại học Xoóc-bon, nước Pháp. Và không lâu sau, cậu sinh viên người An Nam ấy trở nên nổi tiếng toàn thế giới khi trở thành người xác định chính xác vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga vào 9 giờ sáng, ngày 2-9-1972.

Những năm tháng sau này, vị giáo sư đáng kính ấy thường xuyên trở về quê hương cùng những dự án lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành vật lý và thiên văn học của Việt Nam. Khi điều kiện sức khỏe cho phép, mỗi năm một lần, ông tổ chức các lớp học chuyên ngành tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn học bổng cho các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của các trường đại học, các viện khoa học trong nước được tham gia nghiên cứu và làm luận án tại Pháp. Với 150 công trình nghiên cứu được công bố rộng rãi về những bức xạ vô tuyến, hồng ngoại trong vũ trụ và sự tìm kiếm chất hữu cơ trong những thiên hà, những đóng góp của ông cho ngành thiên văn học nói chung và đất nước nói riêng rất đáng trân trọng.

Ở tuổi 85, với kiến thức uyên thâm về thiên văn học cùng sự minh mẫn hiếm thấy, Giáo sư Nguyễn Quang Riệu vẫn được mời làm Giám đốc Nghiên cứu Danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp và Đài Thiên văn Pa-ri. Cầm cuốn sách “Sông Ngân khi tỏ khi mờ” do chính tay ông đề tặng, tôi chợt nhớ tới giọng nói lịch duyệt của nhà khoa học ấy: “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có một đội ngũ chuyên gia giỏi sánh vai với các nhà khoa học trên thế giới cùng chinh phục vũ trụ bao la”.

Doanh nhân với ước mơ xây dựng “Làng Việt kiều”

Sau nhiều năm sinh cơ trên đất Mỹ, có thể nói, doanh nhân Nguyễn Tài Phương đã tạo cho mình một thế đứng vững chắc trong sản xuất, kinh doanh. Ngay từ những năm đầu thế kỉ 20, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam do ông lãnh đạo đã bắt đầu có những hoạt động đầu tư về Việt Nam trong một số lĩnh vực như may mặc, điện tử và bất động sản... Không những vậy, ông đặc biệt ủng hộ các hoạt động từ thiện, hướng về đồng bào nghèo cả nước nhằm chung tay giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2010, dự án Làng Việt kiều Hải Phòng trên diện tích 110.000m2 với tổng vốn đầu tư 60 triệu đô-la Mỹ được khởi công. Đây là tâm huyết rất lớn của doanh nhân Nguyễn Tài Phương, nhằm góp phần thay đổi diện mạo của một vùng đất bồi ven sông Cấm. Ông bày tỏ: “Dự án của chúng tôi được thực hiện với 3 mục đích: Đóng góp vào quá trình đô thị hóa và phát triển của Hải Phòng; đáp ứng nhu cầu của kiều bào muốn có một môi trường sinh sống, làm việc tốt tại quê nhà và cuối cùng là kêu gọi các Việt kiều quê Hải Phòng về nước sinh sống, làm việc và tìm cơ hội đầu tư”.

Đầu năm 2017, tôi gặp lại vị doanh nhân đầy tâm huyết ấy nhân dịp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) gặp mặt các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII là người Việt Nam ở nước ngoài. Vẫn phong độ, trẻ trung và giọng nói truyền cảm hứng như ngày nào, ông tạo cho người đối diện một cảm giác tin tưởng và được trân trọng. Tôi được biết, ông hiện là đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Việt kiều thành phố Hải Phòng.

Trên cương vị là người góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, doanh nhân Nguyễn Tài Phương luôn trăn trở là làm sao phát huy được tiềm năng của doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài cùng nguồn kiều hối mỗi năm trên 10 tỷ đô-la Mỹ. Vừa bận rộn với những dự án kinh doanh tại nhiều quốc gia, ông còn tranh thủ gặp gỡ đại diện Ban liên lạc cộng đồng người Việt nhằm tìm hiểu tình hình, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng nhằm từng bước tìm ra một tiếng nói chung là hướng về quê hương, đất nước.

Mỗi ngày sống là một ngày cống hiến

Tôi được tin Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải mắc trọng bệnh khi ông vừa về Việt Nam giảng dạy nghệ thuật biểu diễn kèn môi và gõ muỗng theo lời mời của Viện Âm nhạc Việt Nam hồi đầu năm 2017. Dẫu gương mặt và thần thái của người nghệ sĩ tài danh không còn được nhanh nhẹn và phong độ như những lần trước đây tôi gặp ông cùng người cha đáng kính Giáo sư Trần Văn Khê tham dự các buổi hội thảo khoa học về âm nhạc dân tộc Việt Nam, song, bài giảng của vị Giáo sư vẫn đầy sức lôi cuốn và giàu giá trị học thuật.

Bên ly cà phê sánh đậm tại quán nhỏ đầu phố Bà Triệu, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải đã biểu diễn cho chúng tôi nghe những khúc nhạc ngắn bằng 12 loại kèn môi của các dân tộc trên thế giới, trong đó có 7 loại kèn môi của các dân tộc thiểu số Việt Nam như Mông, Gia Rai, Ba Na... Những chiếc kèn môi chỉ nhỏ như ngón tay được làm từ tre nứa, mảnh thép mỏng chợt ngân vang hồn núi, hồn rừng từ hơi thở và đôi tay rung nhấn của người nghệ sĩ.

Không chỉ nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về kèn môi, ông còn được tặng danh hiệu "Vua muỗng" khi ông chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng tại Đại nhạc hội dân nhạc Cam-brít, Anh vào năm 1967. Ngoài ra, ông cũng là một trong số ít các nghệ sĩ vận dụng thành thục kĩ thuật hát “đồng song thanh” bí hiểm học được từ các thầy phù thủy Mông Cổ tại cao huyên Tây Tạng. Từ khám phá của ông, phương pháp “đồng song thanh” không những góp thêm cho âm nhạc thế giới một cách hát mới, mà còn được ứng dụng vào y học để giúp những người đứt họng dưới vẫn nói được bằng họng trên thông qua tập luyện.

Được biết, khi phát hiện mình mắc trọng bệnh, ông đã hiến tặng hàng ngàn tư liệu quý của các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Những tư liệu đó từng được Chính phủ Pháp đề nghị mua lại để thành lập Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Pa-ri. Ông bày tỏ: "Tôi nghĩ, đó là những việc làm hữu ích để giúp những sinh viên yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới muốn tìm hiểu, nghiên cứu có thể sử dụng những tài liệu quý này. Tôi đã làm công việc mà ba tôi đã từng trao gửi, để lại những gì tốt đẹp nhất cho âm nhạc dân tộc thông qua những công trình nghiên cứu của tôi".

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO