Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 09:05 GMT+7

Nâng tầm vóc đất nước với ngoại giao đa phương

Biên phòng - Năm 2021 đi qua với đầy biến động, thách thức lịch sử, nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt, khi Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vượt bậc về ngoại giao đa phương.

Cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 1 số 1 lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: TTXVN

Nhiều dấu ấn bản sắc, nghệ thuật ngoại giao

Trong năm qua, ngoại giao đa phương của Việt Nam tô đậm màu sắc tích cực, tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi. Nổi bật trong đó là ký kết được thỏa thuận xây dựng trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tại Việt Nam; Việt Nam được bầu là thành viên của Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) (UNCITRAL); lần thứ 2 có người được bầu là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) của LHQ với số phiếu cao hơn lần đầu tiên... Việt Nam cũng có nhiều sáng kiến quan trọng được sự ủng hộ rất lớn của quốc tế như: Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27-12 làm Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh; Việt Nam cùng Đức đồng sáng kiến thành lập Câu lạc bộ các nước về Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, với 112 nước tham gia...

Truyền thông quốc tế đánh giá, Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều hơn sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực trong lĩnh vực ngoại giao. Dấu ấn đáng chú ý trong đó là lập trường nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng và tiếng nói của các bên liên quan, qua đó, tạo dựng được ý kiến đồng thuận. Đặc biệt, vai trò và năng lực ngoại giao Việt Nam cũng luôn đạt nhiều dấu ấn quan trọng trong những vấn đề mới, thách thức mới của khu vực, cũng như của thế giới.

Trong những dấu ấn Việt Nam tạo dựng về ngoại giao đa phương không thể không kể đến đóng góp to lớn ở Hội đồng Bảo an LHQ với việc thúc đẩy tiến trình xây dựng lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ. Việt Nam cũng nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển nhằm giải quyết các “điểm nóng” xung đột ở Sudan, Ethiopia, Trung Đông, châu Phi...

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021, không chỉ đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra, hoàn thành xuất sắc vai trò, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương. Những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của nhiệm kỳ này là sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành hữu quan; sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Nhiều dư địa để phát huy

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt khẳng định, nhiệm vụ hàng đầu của nền ngoại giao Việt Nam chính là tạo dựng môi trường hòa bình để phát triển. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên LHQ. Ở đâu có sự hiện diện của người dân, doanh nghiệp Việt Nam thì ở đó có lợi ích của Việt Nam. Vì vậy, việc đóng góp cho nỗ lực chung mang lại ổn định, hòa bình trên thế giới cũng mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam, với tầm nhìn xa 5 năm, 10 năm, 15 năm...

Bên cạnh đó, các thành tựu ngoại giao Việt Nam cũng mang đến nhiều lợi ích đạt được ngay lập tức. Điển hình như củng cố cơ chế đa phương đã gần như bị tê liệt vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, từ đó góp phần giúp phục hồi sức mạnh tập thể của khu vực, cũng như thế giới để điều phối, xử lý các thách thức đặt ra, bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Lô vaccine Moderna 2 triệu liều Mỹ trao tặng về đến Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nổi bật như sự đóng góp vào cơ chế COVAX của LHQ đã giúp xác định mục tiêu cung cấp đủ lượng vaccine, bao gồm việc cung cấp vaccine cho Việt Nam. Theo ông Đỗ Hùng Việt, vào thời điểm khởi đầu của cơ chế này, bối cảnh chung rất khó khăn khi nguồn cung vaccine vô cùng khan hiếm. Sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ là nhân tố quan trọng, quyết định giúp đất nước có thêm những nguồn lực hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh.

Nhìn lại năm 2021, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức chưa từng có tiền lệ, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Đông Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latin... Cùng với đó là hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Hiện nay, Việt Nam đang xác định nỗ lực tiếp tục ứng cử vào vị trí lãnh đạo khác của LHQ, ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025, ứng cử vào một số cơ chế, tổ chức của LHQ... Song hành với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực tiếp nối sáng kiến, ưu tiên đã triển khai, tăng cường xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh và biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động lịch sử đó, những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương đã đạt được trong năm qua đã tô thêm những dấu ấn quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam. Tiếp đà phát triển, ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, với thành tựu liên tục đạt được, nhiệm vụ đặt ra đối với ngoại giao đa phương ngày càng nặng nề hơn nhưng cũng có nhiều dư địa để phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, uy tín của đất nước trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO