Biên phòng - Các nhà nghiên cứu chính trị quốc tế khẳng định rằng, sự thành công trong việc đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào tháng 4 vừa qua của Việt Nam đã ghi dấu ấn lớn, tô đậm bản sắc và bản lĩnh của ngoại giao đa phương.

Vượt mọi “bão tố”, gặt nhiều “trái ngọt”
Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực (UV KTT) của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) đã minh chứng rõ nét về uy tín rất cao của nước ta trên trường quốc tế. Việt Nam đảm nhận trọng trách này từ năm 2020 cũng là thời điểm nhân loại phải trải qua những ngày tháng khó khăn bậc nhất lịch sử khi đại dịch toàn cầu Covid-19 xuất hiện và hoành hành, đưa cả thế giới vào tình trạng nguy hiểm xuyên suốt 18 tháng qua; cùng với đó là các cuộc xung đột ngày càng leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường ở nhiều quốc gia.
Trong 18 tháng sống chung với dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đảo lộn mọi hoạt động của HĐBA cũng là thời điểm Việt Nam chứng minh năng lực đáp ứng sự tin yêu của cộng đồng quốc tế bằng hiệu quả công việc thực chất, hiệu suất cao; được LHQ và cộng đồng quốc tế đồng lòng ủng hộ. Đáng chú ý, 2 lần đảm nhận trọng trách là Chủ tịch HĐBA vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021, vượt qua mọi thách thức, rào cản, Việt Nam đều hoàn thành tốt mọi mặt công tác.
Đánh giá về quá trình đảm nhiệm Chủ tịch HĐBA của Việt Nam, lãnh đạo LHQ, các tổ chức khu vực và các nước thành viên HĐBA đều cùng chung sự ủng hộ đối với các đề xuất của Việt Nam cũng như đánh giá cao công tác tổ chức và điều hành mà Việt Nam đã nỗ lực thực hiện với kết quả tích cực. Đặc biệt là sự trân trọng đối với việc Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì trọn vẹn các cuộc họp, gây ấn tượng sâu sắc về sự chủ động, hiệu quả và khéo léo. Những thành quả công tác của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA vào tháng 4-2021 cũng được truyền thông quốc tế ca ngợi và ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá rất cao nhiều sáng kiến được Việt Nam đưa ra xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt là trong 2 lần đảm nhiệm Chủ tịch HĐBA. Tổng thư ký Guterres bày tỏ rằng, khi Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA, các nước thành viên bớt tranh cãi hơn trước. Đây được xem là lời nói cô đọng nhưng phản ánh rất sâu sắc những thành quả mà Việt Nam đạt được với những trọng trách quốc tế cao cả. Bởi lẽ, tất cả nội dung hoạt động, sáng kiến do Việt Nam dẫn dắt trong tháng 4 đều được đánh giá là những nội dung thiết thực, giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm qua mà HĐBA chưa thể giải quyết hiệu quả.
Việt Nam đã vượt qua mọi trở ngại để thực hiện những nội dung này và quan trọng hơn hết là đạt được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong HĐBA để thông qua 1 Nghị quyết và 2 Tuyên bố Chủ tịch về các chủ đề ưu tiên do Việt Nam đề xuất. Đây là thành công nổi bật, bởi việc dẫn dắt và thống nhất ý chí chung của một tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới vốn là điều không hề dễ dàng và không nhiều quốc gia có thể thực hiện được.
Tiên phong kiến tạo nền tảng thực chất
Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực đã đưa ra các nội dung mới về đối thoại, xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Điều này đặt ra nền tảng quan trọng để HĐBA thúc đẩy chủ đề này trong thời gian tới. Đặc biệt, ông Guterres khẳng định rằng, Việt Nam đã đưa mối quan hệ hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực lên một tầm cao mới khi Việt Nam chủ trì phiên họp cấp cao về tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột vào tháng 4 vừa qua.

Tuyên bố Chủ tịch về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh có nội dung ghi nhận những hậu quả lâu dài của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhấn mạnh hợp tác quốc tế, tạo sự gắn kết chặt chẽ với công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam. Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, Việt Nam đã hiện thực hóa sự quan tâm và nỗ lực của quốc tế đối với vấn đề vốn nhức nhối từ lâu tại nhiều quốc gia đang có chiến tranh hoặc vừa trải qua chiến tranh. Vấn đề này đã từng được đề xuất trước đây, song, chỉ đến khi Việt Nam chủ trì mới có thể được hiện thực hóa.
Một trong những dấu ấn quan trọng nhất là Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Đây là Nghị quyết do Việt Nam xây dựng và là lần đầu tiên HĐBA thông qua một Nghị quyết quan trọng về chủ đề này. Minh chứng cho sự quan trọng và hiệu quả thúc đẩy của Việt Nam thể hiện ở việc Nghị quyết được 64 quốc gia đồng bảo trợ và nhận được sự đồng thuận thông qua của 15/15 quốc gia thành viên HĐBA.
Nghị quyết 2573 với mục tiêu giúp hệ thống hóa, đồng thời bổ sung nhiều nội hàm quan trọng, có giá trị pháp lý cao, bổ trợ cho các quy định hiện hành về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang. Đồng thời đưa ra những quy định tổng thể, dài hạn đối với việc bảo vệ hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như nhân viên vận hành, tạo tiền đề cho việc triển khai về sau, làm căn cứ dẫn chiếu trong các thảo luận về tình hình khu vực cụ thể cũng như các vấn đề bảo vệ thường dân, luật nhân đạo.
Nhìn lại tháng 4 vừa qua cũng như xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ 2020-2021, những thành quả của Việt Nam đã liên tục làm sâu sắc ngoại giao đa phương với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực và LHQ. Trước muôn vàn thách thức trong bối cảnh đầy biến động, Việt Nam đã tiếp tục ghi dấu ấn lớn, khẳng định bản lĩnh, bản sắc của đất nước với những kết quả cụ thể, tích cực, thực chất được sự hưởng ứng, tôn trọng từ cộng đồng quốc tế. Từ đó, nâng cao hơn nữa uy tín và tầm vóc quốc gia.
Thanh Trúc