Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Nhà thơ Trịnh Công Lộc:

Nặng lòng với biên cương, hải đảo

Biên phòng - Là người con của quê lúa Thái Bình, thế nhưng sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trịnh Công Lộc đã tự nguyện xin về Quảng Ninh để công tác. Bởi theo ông, mảnh đất phía Đông Bắc Tổ quốc này có biển, có rừng, nơi có thể “nuôi dưỡng” nguồn cảm hứng, sáng tác. Và cũng chính nơi đây, ông đã cho ra đời nhiều sáng tác nổi tiếng về chủ đề biên cương, hải đảo, được đông đảo công chúng biết đến.

5c3846263f5e02976f000321
Nhà thơ Trịnh Công Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một buổi chiều Chủ nhật, tôi tìm đến phòng làm việc của ông tại trụ sở Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương (số 175, Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Thú thật, trước khi gặp ông, tôi cũng khá rụt rè và có phần lo lắng, bởi tôi biết trước đó, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Quảng Ninh như: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em; Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm...

Thế nhưng, khi gặp ông, mọi lo lắng trước đó dường như biến mất. Đứng đối diện tôi là người đàn ông xấp xỉ tuổi 70 với dáng người dong dỏng, trong bộ quần áo nâu buông thõng, giản dị, niềm nở đón khách. Thấy phòng ông ở ngay cổng mà không thấy ghi tên cơ quan, tôi thắc mắc thì ông đùa rằng: “Cơ quan ở tít bên trong, còn bác thì vừa làm chuyên môn, vừa làm... bảo vệ”. Bước vào căn phòng, từ cái ghế xoay ông ngồi đến bộ ấm chén, tất cả đều đơn giản, không một chút cầu kỳ, kiểu cách.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc làm thơ từ khá sớm. Mùa Đông năm 1972, khi đế quốc Mỹ dùng B52 ném bom ác liệt hòng đưa Thủ đô Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”, khắp phố phường hoang tàn đổ nát, nhưng hơn hết người dân Hà Nội vẫn một lòng, một dạ, kiên cường, anh dũng chống trả. Chàng sinh viên có trái tim đa cảm Trịnh Công Lộc khi ấy đã viết chùm thơ đầy xúc động ghi lại thời khắc này. Trong đó, có một số bài nổi bật, được đăng trên Báo Nhân dân và một số tờ báo lúc bấy giờ như: “Mảnh gương”, “Màu trắng những ngôi nhà Khâm Thiên”... Đặc biệt là bài thơ “Cánh buồm nâu” được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà sau này, ông lấy tên làm nhan đề cho tập thơ đầu tay của mình xuất bản năm 2011.

Nói về Trịnh Công Lộc thời ấy, nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn còn nhớ cậu sinh viên hăng hái, năng nổ, nhiệt huyết tham gia các hoạt động giao lưu văn thơ ở trong và ngoài trường. Ông cũng chính là người đã sáng kiến thành lập ra “Câu lạc bộ thơ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội” để giao lưu với nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thời ấy. Và rồi, qua những lần gặp gỡ, trao đổi, Trịnh Công Lộc đã quen, chơi thân và học hỏi nhiều điều từ một số cây bút có tên tuổi sau này như: Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng... 

Khi về công tác tại Quảng Ninh, mặc dù bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng Trịnh Công Lộc vẫn không ngày nào rời cây bút, trang giấy và những vần thơ. Chính trong khoảng thời gian giữ cương vị Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh, ông đã có cơ hội được tìm hiểu, tiếp cận với nhiều tư liệu lịch sử. Từ đó, hình ảnh mộ gió đã day dứt, ám ảnh ông. Theo ông, từ xa xưa, cha ông ta đã làm mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn, tưởng nhớ, tôn vinh những người được ra trấn giữ biển, đảo mà không thể trở về. Thời vua Gia Long đã có cả những hải đội hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa. Với tâm hồn của người thi sĩ, Trịnh Công Lộc đã đồng cảm cùng với nỗi đau, mất mát của những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biên cương, hải đảo và bài thơ “Mộ gió” ra đời. Nhiều người cho rằng, bài thơ này thể hiện tài năng của người đàn ông có vốn sống dày dặn, nhưng Trịnh Công Lộc chỉ nghĩ rằng đó là phút thăng hoa, là sự may mắn mà ông trời đã “ban” cho ông.

Năm 2011, khi cuộc thi thơ - nhạc “Đây biển Việt Nam” được phát động trên toàn quốc, nhạc sĩ Vũ Thiết chính là người đã “chắp cánh” cho bài thơ “Mộ gió” bay lên. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã gợi ý đổi tên ca khúc “Mộ gió” thành “Khúc tráng ca biển” và từ “Hoàng Sa” được đổi thành “lòng ta”. Kết thúc cuộc thi, cả bài thơ “Mộ gió” và ca khúc “Khúc tráng ca biển” đều được Ban tổ chức trao giải Nhì. Đây là cuộc thi lớn đã huy động sự tham gia của hơn 1.000 nhà thơ và hơn 400 nhạc sĩ nên có thể nói rằng, bài thơ “Mộ gió” và ca khúc “Khúc tráng ca biển” đã đạt được thành công lớn về văn học và âm nhạc. 

Thế nhưng, nhiều người và nhất là người dân miền Nam vẫn gọi ca khúc ấy với tên “Mộ gió”. Sau khi bài thơ “Mộ gió” ra đời và được tôn vinh thì ngay lập tức, nhiều bài thơ, bản nhạc, áng văn đã đưa hình tượng mộ gió vào, nhiều người cũng thường xuyên nói về mộ gió, nhất là khi Biển Đông có nhiều biến động liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Gần đây, khi có dịp đưa đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, ông mới được biết, 5 năm trước, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học An Giang đã đưa bài thơ “Mộ gió” vào chương trình nghiên cứu, thực tập giảng dạy cho sinh viên. Cũng ở cuộc thi này, nhạc sĩ Vũ Thiết còn phổ nhạc bài thơ “Lời của sóng” của Trịnh Công Lộc thành ca khúc “Lời sóng hát” rất được yêu thích. 

Năm 2017, nhạc sĩ Vũ Thiết đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho chùm 4 ca khúc, trong đó, có 2 ca khúc “Khúc tráng ca biển” và “Lời sóng hát” đều được phổ nhạc từ thơ của Trịnh Công Lộc.

Gần đây, với bài thơ “Vành tang núi”, nhiều người cho rằng, đó chính là “Mộ gió 2” của Trịnh Công Lộc. Đây là bài thơ được ông viết vào năm 2016, nhân chuyến đi thực tế ở Vị Xuyên, Hà Giang, nơi mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra trong một thời gian dài khốc liệt.

Ở đó, ông đã viết một chùm thơ với những bài như: “Sông Lô từ ngàn dặm”, “Tìm cha ở nghĩa trang liệt sĩ”, “Thác gọi”. Đặc biệt, bài thơ “Vành tang núi” xuất phát từ câu chuyện có thật của những người lính về “lò vôi thế kỷ” để khắc họa nên hình tượng “vành tang núi”. Bài thơ mới đọc lên đã thấy gai người: “Thấy đá, không thấy cỏ/Thấy máu, không thấy người/Thanh Thủy “Lò vôi thế kỷ”/Vôi - vành tang núi/Trắng lên trời”.

Nhà thơ Đặng Huy Giang khi phân tích hình ảnh “vành tang núi” còn được nối dài đến mức “trắng lên trời”, từng thốt lên rằng: Thử hỏi có sự mất mát, hy sinh nào còn có thể nhức nhối và lớn lao hơn? Ông lý giải rõ thêm: “Chất một mất, một còn của cuộc “đối đầu chiến địa” được Trịnh Công Lộc khai thác triệt để. Có cảm giác: Đạn không chỉ bắn vào núi ở Vị Xuyên, bắn vào lãnh thổ Việt Nam, mà còn bắn vào lòng ông. Trịnh Công Lộc đau đớn đến tận cùng khi hình dung ra một sự hoang tàn, đổ nát và mất mát ngỡ không thể tận cùng hơn”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO