Biên phòng - Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 vừa diễn ra ngày 9-10 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với sự tham dự của Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược.
10 năm hình thành và phát triển
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 ở Philippines hồi tháng 1-2007, Nhật Bản đã đề xuất Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản-Mekong, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: Hội nhập kinh tế tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực…; mở rộng thương mại-đầu tư giữa Nhật Bản với khu vực Mekong; theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực (xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường…).
Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 9 hội nghị cấp cao, 11 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và 10 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế.
Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần này đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và 3 năm triển khai chiến lược Tokyo 2015 với những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân…
Tại hội nghị, các lãnh đạo đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực. Các lãnh đạo ghi nhận, sau 10 năm hình thành, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược 3 năm.
Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo các nước tái khẳng định cam kết chung duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
3 trụ cột chính cho quan hệ đối tác chiến lược Mekong-Nhật Bản
Tại hội nghị, các lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính. Một là, kết nối sống động và hiệu quả: Tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến “Tầm nhìn công nghiệp Mekong 2.0” và “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng”, trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số.
Hai là, xã hội lấy người dân làm trung tâm với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức “Năm giao lưu Mekong-Nhật Bản 2019” nhằm thúc đẩy hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân các nước Mê Công và Nhật Bản. Ba là, hiện thực hóa một Mekong xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò và đóng góp của hợp tác Mekong-Nhật Bản đối với thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Các dự án hợp tác Mekong-Nhật Bản đã giúp đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước Mekong. Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác thành công hơn nữa.
Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ nêu bật một số ưu tiên sau: Một là, thúc đẩy kết nối giao thông, bao gồm cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, giao thông đường thủy giữa Việt Nam-Campuchia; kết nối năng lượng nội khối Mekong như hợp tác hiện nay giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như giữa khu vực Mekong với các nước bên ngoài. Hai là, cải thiện kết nối hạ tầng mềm, ưu tiên xây dựng và thực hiện các hiệp định, cơ chế phối hợp về tạo thuận lợi cho giao thông, thương mại và kết nối số giữa các nước thành viên. Ba là, thúc đẩy kết nối công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bốn là, tăng cường kết nối con người, đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; ký kết thỏa thuận về công nhận tương đương văn bằng, tín chỉ đào tạo nghề. Năm là, hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong-Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong. Các đề xuất của Thủ tướng đã được hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị.
Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận một số tiến triển tích cực trong trao đổi thương lượng nhưng bày tỏ quan ngại về thực tế còn diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và hiệu quả.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021 cùng 3 phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực.
Ngọc Oanh