Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 10:00 GMT+7

Nâng cao ý thức của nhân dân từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người

Biên phòng - Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hoạt động của tội phạm mua bán người đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều người vì thiếu hiểu biết, cả tin nên đã bị những đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người bán qua biên giới, gây nên những hậu quả hết sức nặng nề cho bản thân, gia đình, xã hội.

svrg_6a
Nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc tường trình với cán bộ công an sau khi trở về Việt Nam. Ảnh: Phúc Hợp

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc có đăng ký kết hôn đang sinh sống tại nước sở tại. Ngoài ra, cũng có hàng nghìn phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng, không làm thủ tục đăng ký kết hôn và gần 130 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, ép làm vợ bất hợp pháp... Ngoài ra, hằng năm, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện và xử lý từ 10 đến 15 vụ với trên 200 nạn nhân bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa đi nước ngoài trái phép.

Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm 96,4%), trong đó, nạn nhân dưới 16 tuổi chiếm 16%. Đa số nạn nhân thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp trắc trở trong cuộc sống gia đình, nhẹ dạ cả tin nên dễ dàng tin theo những lời hứa hẹn của các đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao, hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị các đối tượng lừa bán”. 

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các lực lượng như BĐBP, chính quyền địa phương tổ chức các biện pháp để đấu tranh, bắt giữ các đối tượng có hoạt động mua bán người. Ngày 18-4, tại một khách sạn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang đối tượng Đỗ Thị Sen, sinh năm 1988, ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đang có hành vi mua bán người.

Qua điều tra, đối tượng khai nhận, từ năm 2014 đến nay, đã đưa khoảng 12 lượt người sang Trung Quốc bán làm vợ để kiếm lời. Mỗi vụ trót lọt, Đỗ Thị Sen sẽ được trả khoảng 5-7 vạn nhân dân tệ (tương đương từ 160 đến 230 triệu đồng). Số tiền trên sẽ được Sen dùng để trả cho những nạn nhân (khoảng 100 triệu đồng) và dùng để chi trả tiền tàu xe, ăn uống và đút túi... Các nạn nhân bị Sen lừa bán đều là những phụ nữ còn rất trẻ, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không hạnh phúc... Thủ đoạn của Sen là hứa hẹn các nạn nhân sang Trung Quốc lấy chồng giàu có, hoặc sang làm công việc nhàn hạ, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo và tìm cách đưa nạn nhân bán qua biên giới. 

Thực tế, các đối tượng mua bán người thường tạo uy tín cho bị hại, kể cả người thân của bị hại bằng việc vẽ ra viễn cảnh đi lao động với thu nhập cao, có điều kiện sống tốt hơn; nhiều đối tượng còn tạo uy tín bằng cách tán tỉnh, yêu đương với bị hại rồi lừa đưa họ sang Trung Quốc; thông qua nhiều hình thức như đi tham quan du lịch, chữa bệnh, buôn bán, thăm thân để lừa nạn nhân sang Trung Quốc đem bán... Bên cạnh những thủ đoạn trên thì hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, tội phạm mua bán người đang lợi dụng triệt để mạng xã hội. Đây là một thủ đoạn mới hết sức tinh vi, khó kiểm soát nên người dân cần hiểu rõ và tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, lừa gạt của các đối tượng này. 

Tháng 11-2018, em T., sinh năm 2000, ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát dùng Facebook thì có một người phụ nữ lạ kết bạn. Qua một thời gian nhắn tin trò chuyện thân mật, người phụ nữ này hứa sẽ đưa T. sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao. Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng được người lạ nói ngon ngọt và hứa chắc nịch nên T. đã tin theo. Muốn nhanh chóng thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, T. đã rủ luôn em gái mình là L., sinh năm 2003 đi cùng.

Sợ bố mẹ không cho đi, hai chị em T. đã lẳng lặng gói đồ đạc, bắt xe ra Quảng Ninh gặp người phụ nữ quen trên Facebook. Ngay ngày hôm đó, bố mẹ T. không thấy 2 con nên báo cho lực lượng chức năng. Khi chiếc xe đưa 2 chị em đến địa phận huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, kịp thời giải cứu. 

Cũng ở địa bàn xã Trung Lý, huyện Mường Lát, 2 chị em Vàng Thị M., 18 tuổi và Vàng Thị P., 27 tuổi, dân tộc Mông cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Do điều kiện gia đình khó khăn, nên cả 2 chị em bỏ học vào Nam tìm việc làm.  Qua Facebook, hai em làm quen với 2 người đàn ông. Họ ngỏ lời yêu và muốn lấy 2 cô làm vợ. Vì nhẹ dạ, cả tin, 2 chị em đã theo những người này đến Lào Cai rồi bị chúng lừa bán cho 2 người đàn ông ở Trung Quốc để làm vợ. Nhờ may mắn, sau 1 tháng, Vàng Thị P. bỏ trốn được và bị cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt trao trả về Việt Nam. Sau đó, người em cũng tìm cách trốn được về nước. 

Qua các vụ việc trên, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần phải thực hiện tổng thể các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục pháp luật và các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, phòng chống tội phạm mua bán người.

Viết Lam - Phúc Hợp

Bình luận

ZALO