Biên phòng - Ngày 18/9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức khóa "Tập huấn kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên" nhằm xây dựng năng lực thực hiện lồng ghép giới, phản ánh các góc nhìn về giới, có nhạy cảm giới hơn trong các sản phẩm báo chí.
Tham dự chương trình có PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng; bà Nguyễn Thị Mai Anh, Quản lý dự án bình đẳng giới và quyền phụ nữ, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.
Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Những năm qua, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã được các cơ quan báo chí xác định là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên, được thể hiện rõ trên tất cả các loại hình báo chí.
Trong các năm 2020, 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện thành công các chương trình tập huấn cho các phóng viên về bình đẳng giới, nhạy cảm giới trong sáng tác nhằm xây dựng năng lực thực hiện lồng ghép giới, phản ánh các góc nhìn về giới, có nhạy cảm giới hơn trong các sản phẩm báo chí, nhất là các sản phẩm cho giới trẻ Việt Nam, giúp tiếp cận và hỗ trợ thêm phóng viên, biên tập viên duy trì và nâng cao hiểu biết, kỹ năng phản ánh sự việc, tác nghiệp có góc độ giới tốt hơn.
Tiếp nối thành công đó, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức khóa "Tập huấn kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên". Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người làm báo về bình đằng giới, đồng thời bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới, bạo lực giới; trang bị cho các nhà báo kỹ năng phát triển các vấn đề báo chí có lồng ghép giới, có yếu tố nhạy cảm giới.
Thông qua khóa tập huấn, các phóng viên, biên tập viên tham gia khóa học này sẽ nắm chắc và giải quyết được 3 định kiến giới sâu sắc trong sản phẩm báo chí; hiểu và ghi nhớ một số khái niệm cơ bản và hàm ý của các khái niệm về giới trong thực tiễn bao gồm: giới, giới tính, nhu cầu giới, vai trò giới, mù giới, nhạy cảm giới, trách nhiệm giới, bình đẳng giới, công bằng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; lồng ghép giới.
Đồng thời nắm chắc các tiêu chí về chất lượng một sản phẩm báo chí và xác định tiềm năng cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu nhạy cảm giới trong các sản phẩm báo chí; nhận diện được các biểu hiện "mù giới" và "nhạy cảm giới" trong các sản phẩm báo chí hiện có và đề ra giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí. Sau khóa học, các học viên sẽ nâng cao khả năng lựa chọn các chủ đề bài báo nhằm thúc đẩy bình đẳng giới hoặc thách thức lại định kiến về giới.
Thu Minh