Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 03:47 GMT+7

Nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật cho nhân dân biên giới

Biên phòng - Thời gian qua, tham gia tích cực cùng với lực lượng BĐBP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới có đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo... Nhờ có sự đồng hành đó mà ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, các hành vi vi phạm pháp luật giảm đáng kể. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản về vấn đề này.

Đại đức En Thunh, Trụ trì chùa Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang: Đồng bào Khmer luôn chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Địa bàn xã Phú Lợi với hơn 40% là bà con dân tộc Khmer, vì vậy, những năm qua, nhà chùa thường xuyên phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang tuyên truyền để bà con chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, bà con không qua lại biên giới trái phép, không tham gia hay tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, chung tay cùng lực lượng BĐBP giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới... Đặc biệt, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước ta đến nay, tôi đã vận động bà con phật tử chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong những ngày rằm và lễ trọng của đồng bào Khmer, tôi khuyên răn mọi người chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch: không đến chùa, không tụ tập đông người, không tổ chức đám tiệc, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi tiếp xúc, thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Chùa Giồng Kè cũng là nơi tiếp nhận thông tin về người lạ có mặt trên địa bàn để thông báo kịp thời cho lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương. Ngoài ra, tôi vận động các mạnh thường quân, các chùa ngoài tỉnh được hơn 200 suất quà, trị giá 80 triệu đồng hỗ trợ phật tử nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Lê Hữu Thảo, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2 (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng): Kiên quyết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bà con ngư dân tham gia Tổ tàu thuyền đoàn kết để hỗ trợ, chia sẻ về ngư trường đánh bắt. Không chỉ các tổ viên trong tổ giúp đỡ nhau mà các tổ còn có mối liên hệ với các tổ khác để tương trợ nhau khi gặp rủi ro trên biển. Khi vươn khơi, chúng tôi được chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc, BĐBP Đà Nẵng cung cấp nhiều thông tin pháp luật, như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Thủy sản năm 2007, đặc biệt là tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Chúng tôi rất mong ngư dân của địa phương khác cũng chấp hành nghiêm để ngành thủy sản Việt Nam sớm được Ủy ban châu Âu gỡ bỏ “thẻ vàng” và ngư dân cũng sẽ “sống khỏe” hơn. Chúng tôi luôn ý thức về việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, qua đó, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển để lực lượng Biên phòng nắm, xử lý.

Ông Sùng A Cháng, Trưởng bản Huổi Lạ, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La: Nâng cao dân trí để người dân hiểu và tuân thủ pháp luật.

Bản Huổi Lạ có 43 hộ với 245 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả do cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, bản chưa có điện thắp sáng, chưa có sóng điện thoại di động. Trẻ em đã được đến trường đúng độ tuổi, nhưng vẫn còn nhiều người lớn bị mù chữ hoặc tái mù chữ. Tình trạng tảo hôn, nạn phá rừng vẫn còn xảy ra.

Những năm qua, tôi luôn cố gắng tuyên truyền, vận động bà con trong bản chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian gần đây, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La tập trung tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn.

Tháng 6 vừa qua, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho gần 40 người dân trong bản. Tôi tin rằng, khi bà con được nâng cao dân trí thì ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật vì thế cũng được nâng lên.

Bà Hồ Thị Mơơng, người có uy tín ở thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị: Tích cực giúp đỡ, hỗ trợ BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thôn Sa Trầm kết nghĩa bản - bản với bản A Xóc, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào. Hai bên có mối quan hệ lâu đời, thân tộc nên vẫn qua lại thăm thân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Gần 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát, việc qua lại biên giới phải tạm ngừng để phòng, chống dịch.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Nghe cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, vận động, tôi thấy các anh rất trách nhiệm và luôn quan tâm đến người dân.

Thời gian qua, cuộc sống của bà con trong thôn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, nay ai cũng mong sớm hết dịch để làm ăn, phát triển kinh tế. Đồng bào Vân Kiều có truyền thống tôn trọng người già, bởi vậy mà tôi thường xuyên động viên và răn dạy con cháu trong nhà cũng như người trong bản phải luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật và tích cực giúp đỡ, hỗ trợ BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trúc Hà - Hồ Phúc (thực hiện)

Bình luận

ZALO