Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội

Biên phòng - Ngày 26-5, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tán thành sự cần thiết tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu và nhấn mạnh, cần tăng tính độc lập và hiệu quả hoạt động của đại biểu ĐBQH ở các địa phương.

Toàn cảnh buổi thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp thu hoàn thiện. Nhưng để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% là hợp lý, đồng thời dành một tỷ lệ nhất định (từ 3-5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, trí tuệ và bản lĩnh. Đặc biệt, nâng cao vị thế hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH chuyên trách ở địa phương và không nên coi ĐBQH là thuộc địa phương.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, do công tác điều chỉnh nhân sự, nên ở một số địa phương chỉ còn 1-2 ĐBQH, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH và chất lượng hoạt động của QH.

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), không nên quá quan tâm đến số lượng đại biểu chuyên trách, mà phải nâng cao tính chuyên nghiệp của các ĐBQH trong quá trình hoạt động. “Đừng nhấn mạnh vào số lượng, cho dù có 100% đại biểu chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của QH cũng không đảm bảo được thực chất, thực quyền. Chúng ta đang chuyển sang một QH hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho đại biểu, mà trước tiên là năng lực pháp lý và các điều kiện để đảm bảo hoạt động cho ĐBQH. Trong đó, đáng chú ý nhất là năng lực lập pháp, quyền trình dự án luật, quyền trình sáng kiến luật. Nếu như không được bảo đảm các quyền nêu trên, QH sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo là cơ quan duy nhất nắm giữ quyền lập hiến, lập pháp” - Đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng tăng cường đại biểu QH là chuyên gia, địa biểu Lê Thanh Vân cho rằng, ĐBQH là chính trị gia, phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của thiết chế quyền lực Nhà nước, các nguyên lý vận hành của thể chế kinh tế - xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia, am hiểu sâu về một lĩnh vực cụ thể thì không đúng với nguyên lý vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất là QH.

Danh Anh

Bình luận

ZALO