Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 06:35 GMT+7

Nâng cao tầm vóc đất nước trong nhiệm kỳ Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Biên phòng - Nhìn lại chặng đường 2 năm 2020-2021 giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đã ghi dấu ấn lớn khi hoàn thành trọng trách, tô đậm bản sắc dân tộc với những kết quả thiết thực.

Các sĩ quan QĐND Việt Nam tại lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Thích ứng trong thời kỳ mới nhiều thách thức

Nhìn lại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách lớn ở thời điểm thế giới đầy rẫy biến động, thách thức chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch toàn cầu Covid-19 “hoành hành” trên thế giới xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2021 không đủ để “kìm chân” chiến tranh, xung đột, bất ổn, thậm chí, những mối nguy hại này còn bùng phát ở nhiều “điểm nóng” mới trên toàn cầu. Song hành với đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn liên tục leo thang căng thẳng. Mặt khác, các hành vi chính trị cường quyền, không tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế... đã làm thế giới “trầy trật” trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố...

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, 2 năm qua, thế giới phải “gồng mình” trước những chuyển biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ của cục diện quốc tế. Vượt lên tất cả, HĐBA đã thích ứng nhanh, duy trì tốt các hoạt động, đặc biệt là phát huy vai trò cơ chế quan trọng không thể thay thế trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong các thành tựu quan trọng đạt được trong 2 năm qua, đáng chú ý, HĐBA đã ngày càng tranh thủ tốt hơn vai trò của các tổ chức khu vực trong đó có Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đóng góp hữu hiệu vào thành tựu của HĐBA, ngay từ khi nhậm chức, Việt Nam đã nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đặc biệt đã đề xuất nhiều sáng kiến đóng góp thực chất vào công việc của HĐBA. Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn đóng góp để thúc đẩy lợi ích chung của các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trên thực tế, uy tín, vị thế và những đóng góp của Việt Nam liên tục được đánh giá cao bởi các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức quốc tế. Ngay từ “điểm xuất phát”, Việt Nam đã được 192/193 phiếu bầu của thành viên LHQ để đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA. Kết thúc nhiệm kỳ, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách, đáp ứng các kỳ vọng của quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, thành công của Việt Nam là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước Việt Nam; chủ trương đóng góp, xây dựng một cách có trách nhiệm vào các cơ chế đa phương, trong đó có LHQ mà trước hết là HĐBA. Đây cũng là kết quả chung của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sát sao và tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tô đậm bản sắc Việt Nam với thế giới

Trong nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã ghi 10 dấu ấn nổi bật nhất trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, điều quan trọng nhất là Việt Nam đã thể hiện rõ nét bản sắc, tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho đất nước trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì hòa bình bền vững”, về tổng thể truyền tải thông điệp về đất nước Việt Nam đổi mới năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Bạn bè quốc tế chúc mừng Đoàn Việt Nam khi trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 vào ngày 7-6-2019. Ảnh: TTXVN

Tầm nhìn của Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình và an ninh để có nền hòa bình bền vững lâu dài. Việt Nam luôn ủng hộ các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ khâu ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột, đến tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Đặc biệt, sắc thái riêng của Việt Nam đã thể hiện tinh thần luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác đối thoại giảm căng thẳng đối đầu. Việt Nam đã tham gia bàn thảo tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA với tinh thần rất tích cực, xây dựng, chú trọng quan điểm của các nước liên quan trực tiếp. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua, khi đảm đương Chủ tịch luân phiên HĐBA, cũng như chủ tịch của các cơ chế trực thuộc HĐBA, Việt Nam luôn lắng nghe, tìm điểm tương đồng, giải quyết thỏa đáng mối quan tâm của các nước. Điều này cũng cho thấy sắc thái riêng trong bản sắc Việt Nam.

Trước muôn vàn thách thức trong 2 năm qua, Việt Nam luôn có cách tiếp cận, cách thức giải quyết nhất quán, luôn xuất phát từ lợi ích chung, dựa trên nền tảng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Việt Nam kiên định đề cao nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực. Với cách tiếp cận cân bằng, xây dựng, Việt Nam cũng chú trọng nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa các bên nhằm thu hẹp khoảng cách khác biệt.

Ở góc độ khác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, thành công trong nhiệm kỳ vừa qua góp phần thu hút đầu tư, mở rộng thị trường thương mại của đất nước. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa phương hóa và hội nhập quốc tế toàn diện mà Việt Nam đang triển khai rất coi trọng ngoại giao song phương và đa phương. Việc Việt Nam thể hiện trách nhiệm, đóng góp tích cực và được cộng đồng quốc tế ủng hộ cũng giúp quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác được mở rộng.

Qua 2 lần đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021 giúp Việt Nam tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tri thức quý báu, tạo ra tiền đề, cơ sở vững chắc để đất nước tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quốc tế tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức trong và ngoài khuôn khổ LHQ. Đây sẽ là cách thiết thực để nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO