Biên phòng - Chuyến công du châu Á lần thứ 2 của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa qua có điểm dừng chân đầu tiên tại Nhật Bản để dự lễ Quốc tang cựu Thủ tướng Shinzo Abe, sau đó thăm chính thức Hàn Quốc. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng này đã truyền tải nhiều thông điệp của chính quyền Mỹ đối với khu vực.
Trong thông điệp trước chuyến công du của bà Harris, Mỹ tái khẳng định cam kết với các đồng minh trong một môi trường an ninh ngày càng phức tạp, đồng thời làm sâu sắc hơn nỗ lực của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Truyền thông quốc tế đăng nhiều bài viết về các thông điệp mà bà Harris truyền tải trong chuyến thăm. Điển hình là tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, bên cạnh việc tôn vinh chân thành cố Thủ tướng Abe, nói về hiện tại và tương lai, bà Harris nhấn mạnh rằng, quan hệ song phương cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Bà Harris đồng thời khẳng định, cam kết của Mỹ về việc bảo trợ an ninh cho Nhật Bản là điều không thể lay chuyển. Mỹ duy trì 55.000 binh sĩ đồn trú tại quốc gia này và liên minh Mỹ - Nhật Bản là nền tảng không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về phần mình, Thủ tướng Kishida khẳng định sẽ kế thừa các thành tựu mà chính quyền cố Thủ tướng Abe đã đạt được trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản. Đặc biệt chú trọng củng cố quốc phòng, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Giới học giả chính trị, an ninh quốc tế cho rằng, một trong những điều mà Nhật Bản đang mong muốn hiện nay là Mỹ cần làm rõ hơn lập trường về khả năng điều động quân đội tới hỗ trợ trong trường hợp xảy ra xung đột tại khu vực.
Mặt khác, “dư địa” hợp tác với Nhật Bản vẫn còn khá lớn trên các lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh kinh tế, thương mại, hợp tác ứng phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu, Mỹ và Nhật Bản đang chú trọng việc đảm bảo các hoạt động sản xuất công nghệ cao vốn đang chịu nhiều áp lực liên quan tới đứt, gãy chuỗi cung ứng. Điều này cũng được cụ thể hóa khi bà Harris kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Theo bình luận của giới quan sát, chuyến công du của bà Harris diễn ra trong thời điểm Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển tại khu vực, khiến Nhật Bản và Hàn Quốc nâng cao mức độ cảnh giác. Một điểm nhấn trong chuyến công du lần này là bà Harris đã tới Khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên. Sự kiện này là một minh chứng rõ nét cho cam kết của Mỹ đối với an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc hội đàm giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nước đã tái khẳng định sự vững chắc của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc. Đặc biệt nhấn mạnh, mối quan hệ này là trụ cột quan trọng của an ninh, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian thảo luận về cách thức giải quyết các khúc mắc về thương mại song phương đang khá gay gắt trong thời gian gần đây.
Chuyến công du của bà Harris cũng mang một sứ mệnh quan trọng khác là hàn gắn mối quan hệ đầy trắc trở giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ. Những mâu thuẫn, bất hòa dai dẳng về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ vốn cần thêm nhiều thời gian để giải quyết, song, lãnh đạo hai nước láng giềng này đều cho thấy những triển vọng cải thiện quan hệ.
Giới chuyên gia quốc tế nhận định, trước những biến động khó lường của thế giới thời gian gần đây, quan hệ liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đang ngày càng được mỗi nước đề cao hơn. Chuyến công du vừa qua của bà Harris dù mang tính biểu tượng cao nhưng cũng là động thái cụ thể hóa thông điệp rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thanh Trúc