Biên phòng - Là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, BĐBP Thanh Hóa đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tổ chức ngày pháp luật tuyến biên giới, hải đảo với nhiều hình thức, mô hình hay, cách làm sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Thanh Hóa có đường biên giới dài 213,5km, tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, với dân số 106.243 hộ/528.623 khẩu thuộc 6 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú và 3 tôn giáo chính (Phật giáo, Tin lành và Công giáo), cư trú ở 59 xã, phường, thuộc 11 huyện, thành phố biên giới, ven biển. Do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, nên tỷ lệ đói nghèo cao, các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, tội phạm (nhất là tội phạm về ma túy) ở khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh vẫn còn cao.
Chính vì vậy, xác định việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển nên những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đại tá Nguyễn Văn Thú, Phó Chính ủy BĐBP Thanh Hóa cho biết: Sau khi Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” được triển khai, BĐBP Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc với vai trò là cơ quan chủ trì. Cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Đề án như: "Tăng cường đảm bảo an ninh phía Tây tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020"; "Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020"...
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn biên soạn, in ấn tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật, đĩa hình, đĩa tiếng DVD cấp phát cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, ven biển... Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh tổ chức xây dựng chuyên mục “Biên phòng toàn dân” phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mỗi tháng 2 số. Đồng thời, tổ chức đưa các Tổ, Đội Tuyên truyền Văn hóa xuống địa bàn biên giới, ven biển của tỉnh để tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, tư vấn pháp luật, hòa giải, hỗ trợ pháp lý cho cán bộ, nhân dân và các đối tượng cần trợ giúp. Hay đầu tư trang thiết bị duy trì các Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, hướng nghiệp tại các đơn vị với mô hình “Mỗi tuần một văn bản pháp luật” và “Mỗi tuần một câu hỏi pháp luật”.
Cùng với đó, BĐBP tỉnh đã duy trì và thực hiện tốt “Ngày pháp luật” với nhiều hình thức, cách làm phong phú như: Tổ chức phổ biến, lồng ghép trong các hội nghị, các cuộc họp của xã, thôn, bản, đồn Biên phòng, các nhà trường và các cơ quan, đơn vị ở khu vực biên giới, ven biển; tổ chức tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, chiếu băng đĩa hình tại các phiên chợ, lễ hội, cụm dân cư, trường học, đồn Biên phòng, đơn vị lực lượng vũ trang; phát tờ rơi, tờ gấp cho cán bộ, nhân dân khi ra vào khu vực biên giới hoặc tại các cửa khẩu, lối mở biên giới.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân 2 bên biên giới tại thực địa và tổ chức các điểm truy cập Internet, phòng đọc sách, báo pháp luật tại UBND xã, trường học, đồn Biên phòng, đơn vị lực lượng vũ trang, điểm bưu điện văn hóa xã ở khu vực biên giới, hải đảo. Qua đó, đã thu hút sự tham gia của cán bộ và đông đảo nhân dân ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao nhận thức cho bà con.
Sau gần 2 năm thực hiện, có thể nói, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn, chấp hành pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hay, cách làm sáng tạo nên địa bàn không xảy ra tình trạng di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, góp phần tích cực đảm bảo tình hình an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Linh Chi