Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 12:20 GMT+7

Nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em về quyền được bảo vệ

Biên phòng - Nhiều năm trở lại đây, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới mà đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết về quyền được lên tiếng, quyền được bảo vệ của mình.

8meixdj1c5-8930_f_jq4o5de61_trang
Phụ nữ và trẻ em có quyền được bảo vệ. Ảnh: Thùy Trang

Sở dĩ vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực gia đình xảy ra trong xã hội là vì giữa các quy định của luật pháp và việc thực thi vẫn còn nhiều khoảng cách. Ngoài ra, quan niệm về bạo lực gia đình nhìn chung vẫn chưa có sự thay đổi, còn đổ lỗi cho nạn nhân, chính quyền một vài nơi còn thờ ơ…

Theo Hiến pháp 2013 quy định rõ “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, điều này cũng có nghĩa, cả phụ nữ và đàn ông đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Như vậy, mọi hành vi xâm phạm hoặc sử dụng bạo lực gây tổn hại sức khỏe đối với phụ nữ đều phải chịu sự xử lý của pháp luật.

Trong hệ thống pháp luật hiện tại, có những quyền được pháp luật xây dựng để bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật, xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, phụ nữ còn có những quyền ưu tiên như: Trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, chế độ nghỉ hưu... Điều này nhằm tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình, giúp phụ nữ đóng góp được nhiều hơn cho gia đình và xã hội.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 cũng có khá nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, chẳng hạn như: Nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi…

Luật Hôn nhân và gia đình cũng khẳng định nguyên tắc, một vợ một chồng, vợ chồng đều được bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ. Đặc biệt, vợ chồng còn cần có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Bộ luật Hình sự hiện hành có nhiều quy định nhằm bảo vệ người phụ nữ. Chẳng hạn, hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai được coi là tình tiết tăng nặng, buộc phải chịu trách nhiệm hình sự ở nhiều tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích…

Từ ngày 15-11 đến 15-12 hàng năm được quy định là Tháng Hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi cho người bị bạo hành, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ.

Ngọc Anh

Bình luận

ZALO