Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 06:52 GMT+7

Nâng cao nhận thức chính trị và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP

Biên phòng - Để triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” của Chính phủ và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị triển khai toàn diện, có chiều sâu các nội dung của hai đề án nói trên. Từ đó, đã tạo nên một phong trào thi đua sổi nổi, thúc đẩy sự sáng tạo của mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ thông qua nhiều mô hình, cách làm cụ thể nhằm nâng cao nhận thức chính trị và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng BĐBP. 

Cán bộ chiến sĩ BĐBP Quảng Nam nghiên cứu pháp luật để tham gia mô hình Mỗi tuần một câu hỏi, mỗi câu hỏi một đáp án. Ảnh: Xuân Lam

Khởi phát từ BĐBP Cao Bằng từ năm 2014, mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” được triển khai nhằm mục đích giúp cho việc giáo dục truyền thống, chính trị, pháp luật được chuyển tải tới từng cán bộ, chiến sĩ một cách hiệu quả, linh hoạt và có tính tương tác cao. Sau khi triển khai, mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” đã trở thành chiếc cầu nối để chỉ huy đơn vị lắng nghe ý kiến từ cán bộ, chiến sĩ của mình. Từ thành công trong thực hiện mô hình của tỉnh Cao Bằng, năm 2019, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo nhân rộng trong toàn lực lượng. Tại các đơn vị cơ sở, kết quả thực hiện mô hình này giúp cán bộ, chiến sĩ dễ dàng nắm rõ và nhớ lâu hơn, có sự hiểu biết sâu sắc hơn những vấn đề về chính trị, truyền thống và pháp luật. Kịp thời giải đáp thỏa đáng vướng mắc trong tư tưởng thông qua trao đổi, thảo luận, tạo không khí mới mẻ trong học tập, sinh hoạt chính trị ở đơn vị.

Với mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, hầu hết các đơn vị đã thành lập “Tổ tư vấn chính trị, pháp luật” để triển khai gần 200 bộ câu hỏi, đáp án trên nhiều lĩnh vực chính trị, pháp luật, điều lệnh quản lý bộ đội, giáo dục truyền thống... tới từng cán bộ chiến sĩ. Các câu hỏi được tổ tư vấn biên tập theo dạng hỏi - đáp, đáp án trả lời rõ ràng từng nội dung của câu hỏi, bảo đảm súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng vào thực tiễn hoạt động, công tác của cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan, đơn vị.

Cùng với mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đẩy mạnh triển khai mô hình “Ngày Pháp luật” gắn với công tác tuyên truyền, PBGDPL trong đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi biên giới với việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác này và xây dựng văn bản chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị quán triệt, nghiêm túc tổ chức thực hiện theo phân cấp. Cơ quan chính trị các cấp xây dựng kế hoạch, đề cương, bồi dưỡng báo cáo viên và chủ động hướng dẫn các đơn vị tiến hành công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị mình. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị các cấp trong toàn lực lượng về công tác PBGDPL và việc triển khai mô hình “Ngày Pháp luật” gắn với công tác PBGDPL không ngừng được nâng lên.

Tại BĐBP tỉnh Lạng Sơn, mô hình “Cơ quan, đơn vị 5 an toàn” và mẫu hình “Quân nhân 5 nhanh, 5 chắc” được đánh giá cao với việc đề ra các mục tiêu hoàn thiện và nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho bộ đội cũng như xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Theo đó, người quân nhân cần có tác phong tháo vát, nhanh nhẹn, tinh thần tự tin, khả năng phân tích, phán đoán chính xác, phương pháp thuyết trình thu hút, lôi cuốn người nghe. Đồng thời, nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn, điều lệnh kỷ luật, hiểu biết sâu về pháp luật, nắm chắc và sát tình hình địa bàn...

Mô hình “Cơ quan, đơn vị 5 an toàn” gồm các mục tiêu “An toàn về chính trị nội bộ”, “An toàn trong tham gia giao thông”, “An toàn trong quản lý vũ khí, trang bị, phòng chống cháy nổ”, “An toàn trong huấn luyện, diễn tập” và “An toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe bộ đội”... đã đem lại những kết quả thực tiễn trên các mặt công tác, hiện thực hóa chủ trương về xây dựng tổ chức gắn với xây dựng con người, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Tại tỉnh Điện Biên, mô hình Câu lạc bộ “Tuổi trẻ xung kích vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” của BĐBP tỉnh được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biên giới quốc gia, về nghĩa vụ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới được tuyên truyền cặn kẽ, thường xuyên cho cán bộ, hội viên và đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Từ đó, phát huy cao độ vai trò của thanh niên trong tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tình nguyện vì cộng đồng, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ - thể dục - thể thao...

Ngoài ra, các mô hình “Biên giới với học đường” của BĐBP Lạng Sơn, “Tiết học biên giới” của BĐBP các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Trị, “Tiết học vùng biên” của BĐBP các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum... cũng đã cho thấy hiệu quả to lớn. Giáo án cho “Tiết học biên giới” được xây dựng với các chuyên đề phù hợp với từng cấp học như sử dụng phần mềm trình chiếu Powerpoint có minh họa hình ảnh sống động.

Các nội dung khác như tác hại của ma túy, tội phạm mua bán người, sử dụng vũ khí tự chế và vật liệu nổ... cũng được lồng ghép vào các tiết học để các em có ý thức phòng tránh. Với các tiết học tại thực địa, học sinh và thầy cô giáo được tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và giới thiệu về cột mốc cũng như quy trình tuần tra đường biên, cột mốc... Năm 2019, mô hình “Tiết học biên giới” được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Vừ A Dính.

Tại Đà Nẵng, mô hình “Âu thuyền và cảng cá an toàn, văn hóa” cũng đã được các đơn vị triển khai nhằm sắp xếp, bảo đảm an ninh trật tự, điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con được ổn định, đồng thời kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gây mất an ninh trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển. Các tổ hợp tác đánh bắt trên biển được hỗ trợ, động viên bằng tiền mặt từ ngân sách của địa phương, khi gặp sự cố, có BĐBP và các tàu, thuyền bạn tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn. Mỗi tàu thuyền ra khơi đều được tặng 1 lá cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, thể hiện niềm tự hào và ý chí, khát vọng vươn khơi, làm chủ vùng biển chủ quyền.

Có thể thấy rằng, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cho BĐBP yêu cầu cao hơn, đòi hỏi, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và hiểu biết pháp luật là hết sức cần thiết.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO