Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 12:31 GMT+7

BĐBP Đắk Lắk:

Nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới

Biên phòng - Đắk Lắk có đường biên giới quốc gia dài 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; khu vực biên giới có 4 xã, thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, có 24 dân tộc anh em chung sống với 21.943 nhân khẩu. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại.

9tn8_19a
Đội công tác Vận động quần chúng Đồn BP Ia Rvê đến nhà hướng dẫn người dân phát triển kinh tế đồng thời tuyên truyền pháp luật. Ảnh: N.Lân

Những năm qua, công tác quản lý và duy trì pháp luật cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới của tỉnh luôn được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của Đề án "Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới 2013-2016" (gọi tắt là Đề án 1133), UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó giao cho BĐBP tỉnh là cơ quan thường trực Đề án. Quá trình triển khai luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thường trực Đề án với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết: Đề án có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác PBGDPL, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bằng các hình thức PBGDPL phong phú, đa dạng và thiết thực với người dân như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật; tuyên truyền pháp luật trong các tổ chức, khu dân cư, trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật thôn, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên tòa xét xử công khai, lưu động... Đề án 1133 đã và đang phát huy hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: Nhờ có các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, bà con trong xã đã hiểu biết thêm về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của địa phương và pháp luật của Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL từng bước được xây dựng, củng cố. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách, đã thu hút được một lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia.

Theo đó, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã phát động nhiều phong trào hoạt động có nội dung gắn với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng các quy ước cam kết trong hội viên, đoàn viên tích cực tuyên truyền, tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, không để phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội.

Trực tiếp tham gia triển khai Đề án 1133 tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, ông Nguyễn Trọng Nhiên, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã cho biết: Từ khi có Đề án, nhận thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã được nâng lên, tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm dần theo từng năm.

Các đơn vị đồn, tiểu đoàn thuộc BĐBP Đắk Lắk luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện Đề án; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc, của địa phương qua các thời kỳ. Trước yêu cầu của địa phương, BĐBP tỉnh đã tăng cường lực lượng xuống các địa bàn; điều động 4 sĩ quan tăng cường cho các xã biên giới, giới thiệu 2 cán bộ Biên phòng tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, 4 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã.

Quán triệt Quy định số 741 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giới thiệu đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ, thôn, buôn thuộc đảng ủy các xã biên giới, các đồn BP đã giới thiệu 43 đảng viên là cán bộ đội công tác Biên phòng về tham gia sinh hoạt. Với nhiều chương trình và mô hình việc làm thiết thực ở khu vực biên giới như vận động học sinh đến trường, phát động Chương trình "Nâng bước em tới trường", hỗ trợ cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các xã biên giới, mở lớp xóa mù chữ, khám và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống cho bà con.

ybwr_19b
Đồn BP Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn.  Ảnh: N. Lân

Tính từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án 1133 đã biên soạn được 4 loại tài liệu tuyên truyền dưới dạng hỏi đáp; trang cấp 9 tủ sách pháp luật với 47 đầu sách và hơn 1.300 cuốn sách pháp luật, cấp phát 2.100 đĩa DVD và hơn 15.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật, tổ chức tuyên truyền PBGDPL được 96 đợt cho trên 82.000 lượt người tham gia. Thông qua các hoạt động chuyên đề trợ giúp pháp lý, phương tiện truyền thanh, BĐBP tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi cho cán bộ, nhân dân như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Biên giới quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức xét xử 4 vụ án hình sự tại các xã biên giới, qua đó góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, mang lại tác dụng và hiệu quả đối với công tác giáo dục chấp hành pháp luật.

Từ năm 2013 đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL của BĐBP, các cấp, ngành, chính quyền địa phương nên nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới đã được nâng lên. Số vụ vi phạm pháp luật giảm dần, tình tiết vi phạm ít nghiêm trọng hơn. Hiến pháp, pháp luật thực sự đi vào đời sống qua các mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình phụ nữ không vi phạm Quy chế biên giới (thôn Chiềng); thôn không có thanh niên vi phạm pháp luật (thôn Quý Mùi); tiếng mõ an ninh (thôn Đừng), tiếng kẻng dân phòng (thôn Nhạp), xã Ia Lốp; Câu lạc bộ phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới (thôn 3, xã Ia Rvê); mỗi tháng một chuyện (xã Krông Na)... Qua đó, người dân đã tự giác giao nộp 35 khẩu súng các loại, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tàng trữ trái phép; bà con tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm, đồng thời cung cấp nhiều thông tin giá trị cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Ngọc Lân

Bình luận

ZALO