Biên phòng - Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, mặc dù công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, nhưng năm qua vẫn liên tiếp ghi nhận những thiệt hại lớn cả về vật chất lẫn con người do thiên tai gây ra.
"Cuộc chiến" chống “giặc thiên tai”
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, trong năm 2016, thiên tai xảy ra với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường. Theo thống kê, năm 2016, xảy ra 20/21 loại hình thiên tai ở nước ta. Cụ thể như: Rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên; 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, trong đó có 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp đến đất liền đã gây mưa lũ bất thường và kéo dài trên toàn bộ khu vực miền Trung; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi; giông, lốc, sét xảy ra với gió giật rất mạnh ở các vùng miền trên cả nước.
Đặc biệt, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp. Từ cuối năm 2014-2016, hiện tượng El Nino mạnh kéo dài nhất trong lịch sử. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của cả nước tình trạng xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn 2 tháng so với thường kỳ, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền có khu vực sâu đến hơn 90km. Đây là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp nước tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho thấy, thiên tai xảy ra ở nước ta dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền trong cả nước. Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, thiên tai xảy ra trong năm 2016, đã làm 264 người chết và mất tích, gần 1.000 người bị thương; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá trên các công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115km đê, kè, 938km kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng 39.726 tỉ đồng, thiên tai đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe người dân vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác PCTT như: Công tác dự báo thiên tai chưa chính xác, kịp thời; phương tiện cứu hộ, cứu nạn thiếu và yếu; thiếu biện pháp dài hạn trong PCTT; chậm di dời dân ở vùng nguy hiểm do tác động của thiên tai... Cùng quan điểm, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn cho biết: "Ở nhiều nơi, ý thức, sự chủ động của chính quyền và nhân dân chưa được nâng lên, vẫn tồn tại hiện tượng chủ quan. Về vấn đề tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhiều vụ việc đơn giản có thể sử dụng lực lượng tại chỗ, nhưng địa phương vẫn đề nghị điều động phương tiện của Trung ương gây lãng phí lớn. Việc cung cấp và báo cáo thông tin cứu nạn còn chậm, chưa chính xác. Tình trạng báo nạn giả chưa được khắc phục, trong năm 2016, chúng tôi ghi nhận có 119 vụ báo nạn giả".
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện nay, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai vẫn còn yếu vì vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm là chính. Chúng ta chưa có phương tiện hiện đại để cảnh báo, dự báo nên thiên tai đến bất ngờ là điều khó tránh. Thêm vào đó là vấn đề trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhiều lúc còn chưa phù hợp với thực tế của địa phương".
Về những tồn tại trong vấn đề PCTT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Theo Thủ tướng, một số công trình thủy điện, giao thông khi đầu tư xây dựng còn thiếu kiểm tra, giám sát, chưa quan tâm đến công tác phòng ngừa thiên tai. Thực tế, vẫn xảy ra những trường hợp hồ chứa mùa mưa thì xả lũ làm ngập lụt vùng hạ du, nhưng vẫn trả lời xả đúng quy trình! Trong khi đó, vào mùa khô lại không có nước để chống hạn. Cá biệt, một số thành phố ở ngay gần biển nhưng không thoát lũ được ra biển, do không tính tới đường thoát lũ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lấy một ví dụ điển hình về sự bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về PCTT như việc thu Quỹ PCTT được nộp hết cho tỉnh, sau đó, cấp xã lại phải đi xin.
Về quy trình hỗ trợ, khắc phục sau thiên tai còn chậm và máy móc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần tạo điều kiện để thực hiện công tác này nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, kịp thời hơn. Công tác tuyên truyền chưa đến được với tất cả người dân, nhất là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vì thế xảy ra nhiều tai nạn thương tâm khi mưa lũ đến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều. Trong đó, nổi cộm là nạn khai thác tài nguyên trái phép trên các dòng sông, lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch, làm sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, xây dựng phương án phòng chống thiên tai của bộ, ngành, địa phương sát với thực tiễn nhằm phát huy tốt vai trò, chức năng của chính quyền các cấp. Đồng thời, chú trọng trang thiết bị phương tiện cho lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, hiệu quả; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chủ động trong PCTT, cứu hộ cứu nạn...
Bình Minh