Biên phòng - Những tháng cuối năm 2020, tuyến biên giới Tây Nam bước vào mùa nước nổi, vì thế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới sẽ gia tăng, nhất là mặt hàng đường cát, thuốc lá ngoại nhập lậu.

Đây là đánh giá của lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nam tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch 27/KH-VPTT ngày 14-6-2019 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới phía Tây Nam, vừa được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức vào ngày 23-10-2020, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới Tây Nam, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Tại các vùng tiếp giáp với biên giới Camphuchia, các đối tượng đầu nậu thường xây dựng kho tàng, bến bãi để tập kết hàng hóa sát biên giới nhằm tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Các đối tượng thường sử dụng xe gắn máy hoặc xuồng máy có công suất lớn, chạy với tốc độ cao nên việc ngăn chặn, bắt giữ của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng hóa nhập lậu thường được vận chuyển vào thời gian chập tối, nửa đêm, gần sáng, các đối tượng thường chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê người canh đường, theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng 24/24 giờ. Cùng với đó, các đối tượng có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng đầu nậu, canh đường đến người tham gia vận chuyển, tạo thành đường dây xuyên suốt.
Với đường biên giới dài gần 100km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh, rạch, nên khu vực biên giới tỉnh An Giang được xác định là “điểm nóng” của hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng nước lũ dâng cao để thả trôi hàng lậu theo dòng nước.
Đại tá Trần Duy Thụ, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang cho biết: “Chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 16-9 đến ngày 15-10-2020), các đơn vị BĐBP An Giang đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ 760 vụ với 822 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Hiện nay, các đơn vị BĐBP An Giang đã lập 136 chốt phòng, chống Covid-19, tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, vừa phòng chống người xuất, nhập cảnh trái phép, vừa đấu tranh phòng, chống buôn lậu”.
Cũng theo Đại tá Trần Duy Thụ, ngoài thủ đoạn cũ là thuê người cảnh giới, canh đường, các đối tượng buôn lậu có thêm thủ đoạn mới là thuê đất của người dân ở khu vực biên giới, sau đó tập kết hàng lậu, rồi lợi dụng đêm tối vận chuyển hàng lậu qua biên giới để tuồn sâu vào nội địa, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Trong khi đó, tại tỉnh Long An, hai mặt hàng nhập lậu có số lượng lớn là thuốc lá ngoại và đường cát. Trong 9 tháng của năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh Long An đã phát hiện, thu giữ, xử lý gần 1.100 vụ hàng hóa nhập lậu, thu giữ gần 1,8 triệu gói thuốc lá ngoại nhập lậu và 38 tấn đường cát.
Thực tế, tại tuyến biên giới Tây Nam, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển hàng cấm có xu hướng tăng trở lại với chiều hướng thay đổi phương thức, mặt hàng, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, đường cát, xăng, dầu, rượu, bia, nước ngọt, trang thiết bị y tế...
Từ ngày 14-6-2019 đến ngày 16-10-2020, các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới Tây Nam đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 8.060 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý hình sự 220 vụ/356 đối tượng; xử lý hành chính 6.932 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 113 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) các tỉnh Tây Nam, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, không để tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng và phức tạp, không phát sinh những điểm nóng, tụ điểm về buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Bên cạnh đó, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, dược phẩm, thực phẩm chức năng... Đặc biệt, chú ý đến các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành, địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Trên cơ sở đó, phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm.
Lê Đồng