Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 03:00 GMT+7

Nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân biên giới

Biên phòng - Thời gian qua, với vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án) tại tỉnh Lào Cai, BĐBP Lào Cai đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần hạn chế người dân vi phạm pháp luật, giữ bình yên địa bàn biên giới, vận động nhân dân chung tay cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân biên giới. Ảnh: Viết Hà

Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Điều hành Đề án nhấn mạnh, trên khu vực biên giới của tỉnh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế, vi phạm quy chế biên giới vẫn xảy ra. Thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, UBND tỉnh giao BĐBP tỉnh làm nòng cốt, phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương đa dạng công tác tuyên truyền, PBGDPL; các đồn Biên phòng bám nhân dân, bám địa bàn, cùng với các xã, thôn, tổ dân phố lồng ghép PBGDPL trong các hội nghị, các cuộc họp của xã, thôn, bản, các nhà trường và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.

Với vai trò là “chủ công” trong thực hiện Đề án, BĐBP tỉnh đã biên soạn 82 nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật; các đồn Biên phòng hằng tháng tổ chức biên soạn giáo án, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL, biên soạn các bản tin pháp luật phát trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của đơn vị và địa phương. Đồng thời, phối hợp với Chi nhánh trợ giúp pháp lý các huyện, thành phố biên giới triển khai các mô hình tư vấn pháp lý như: “Tổ tư vấn trợ giúp pháp lý”; “Tổ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Phụ nữ với pháp luật”; “An toàn cho phụ nữ trẻ em”... thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy BĐBP Lào Cai, Phó ban Điều hành Đề án cho biết, cán bộ BĐBP và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các địa phương trong 5 năm qua đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 2.865 buổi/143.006 lượt người nghe. Nội dung tập trung vào phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến biên giới, đến công tác, chiến đấu của BĐBP và đời sống của nhân dân khu vực biên giới.

BĐBP tỉnh cũng phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh hàng tháng phát chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh biên giới”; đưa hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, kết hợp với PBGDPL, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Đồng thời, tổ chức các điểm truy cập Internet, phòng đọc sách, báo tại UBND các xã, trường học, đồn Biên phòng để cán bộ, nhân dân có điều kiện cập nhật các văn bản pháp luật.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ vận động quần chúng, các đảng viên đồn Biên phòng được phân công phụ trách các thôn, bản, hộ gia đình là những nhân tố rất quan trọng trong tuyên truyền, PBGDPL đến từng người dân. Ông Lý Văn Sỉn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thông tin với chúng tôi: “Đội ngũ cán bộ vận động quần chúng, nhất là đảng viên phụ trách các hộ gia đình đã cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế và phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân sát với thực tiễn cuộc sống, giúp nhân dân tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cán bộ vận động quần chúng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền các văn bản pháp luật, giúp mọi người dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về dịch bệnh, để bà con hiểu và tự giác chấp hành nghiêm các quy định, thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép; không tiếp tay, bao che, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; khi phát hiện trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép thì kịp thời cung cấp thông tin cho BĐBP và các cơ quan chức năng”...

Ngoài ra, BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng, đưa mô hình kết nghĩa “Đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên” và hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả. Từ đó, tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

“Việc nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân hai bên biên giới, giúp cho nhân dân hai bên nắm rõ, thực hiện nghiêm các quy chế biên giới, thắt chặt tình đoàn kết, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” - Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ nhấn mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân ở các phiên chợ. Ảnh: Trung Dũng

Từ việc nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới đã góp phần làm giảm số vụ vi phạm pháp luật, quần chúng nhân dân cũng chủ động cung cấp cho BĐBP và các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến các loại tội phạm, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá, bắt giữ nhiều vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, hàng giả...

Dự báo, thời gian tới, tình hình khu vực biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt, các vụ án về ma túy với số lượng lớn bị bắt giữ trên địa bàn biên giới có xu hướng tăng; các vụ án về mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp.

Theo đồng chí Giàng Thị Dung, nhằm xây dựng biên giới bình yên, BĐBP cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, chủ động bám sát các kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới sát với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đặc biệt, triển khai biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số như dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng..., nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới.

Viết Hà

Bình luận

ZALO