Biên phòng - Chiều 18/7, bão số 1 đã đi vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 18/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Hiện tại, các địa phương đang triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ sau bão số 1.
- BĐBP Hải Phòng: Kiểm tra công tác ứng phó sau khi bão số 1 vào đất liền
- Móng Cái: Không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão
- BĐBP Nam Định triển khai 350 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động phòng, chống bão số 1
- Đưa 115 tàu cá lên đảo Bạch Long Vĩ tránh bão số 1

Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân
Ngay khi cơn bão số 1 xuất hiện trên Biển Đông, các đơn vị BĐBP đã triển khai công tác kiểm đếm, kêu gọi, thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của bão và di chuyển về đất liền hoặc vòng tránh khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức chằng chống, gia cố lại kho tàng, doanh trại đơn vị để đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn BĐBP, các đơn vị BĐBP tuyến biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.122 phương tiện/225.657 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 1 để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ tính riêng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình - vùng được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1, đã có tổng số 12.668 phương tiện/29.812 lao động (đạt tỉ lệ 100%) vào nơi neo đậu tránh trú an toàn.
Để ứng phó với bão số 1, BĐBP các tỉnh, thành phố trọng điểm từ Quảng Ninh đến Nam Định thành lập 14 đoàn công tác xuống cơ sở. Các đoàn công tác đã chỉ đạo điều động 628 cán bộ, chiến sĩ/61 phương tiện các loại phối hợp với lực lượng chức năng và địa phương sắp xếp hơn 12.000 tàu thuyền neo đậu tại các bến, kéo 219 phương tiện nhỏ lên bờ; hỗ trợ gia cố 156 lồng bè, vận động và giúp đỡ 7.501 lao động trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ trước 19 giờ, ngày 17/7.
Ngoài ra, 7.237 lồng bè đã được gia cố hoặc di chuyển đến vị trí tránh trú bão, toàn bộ 7.501 lao động trên các lồng bè đã vào bờ. Trong đó: Tại đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), có tổng số 577 phương tiện neo đậu; đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) có tổng số 144 tàu thuyền (có 116 tàu nhỏ đã được kéo lên bờ, 28 tàu đang neo đậu tại âu cảng).

Chuẩn bị kỹ phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết, các đơn vị BĐBP tuyến biển duy trì gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ với 221 phương tiện sẵn sàng khi có tình huống cần xử lý.
Trao đổi với phóng viên vào chiều 18/7, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Tô, BĐBP Quảng Ninh cho biết, trên đảo có gió nhẹ, ngoài khơi không có sóng. 386 phương tiện neo đậu và 334 khách du lịch lưu trú trên đảo đều an toàn.
Tại địa bàn Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh có hơn 610 tàu thuyền và gần 40 bè nuôi trồng thủy sản đã được cán bộ, chiến sĩ và người dân chằng buộc, trú tránh an toàn. Trước diễn biến bão số 1, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã thành lập 2 tổ công tác với trên 10 cán bộ, chiến sĩ và 2 xuồng thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển, khu vực cửa sông để thông báo, kêu gọi, hỗ trợ ngư dân đưa thuyền vào tránh trú.

Chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ
Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với bão số 1 tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, dự báo hoàn lưu của bão số 1 sẽ gây mưa lớn, khu vực Quảng Ninh dự báo lượng mưa đạt 300-400mm, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chủ động. Quảng Ninh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát các tàu thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không để ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn...
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 1, từ ngày 18 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 180-280mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Từ đêm 18 đến ngày 20/7, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m ở thượng lưu, từ 1-3m ở hạ lưu. Đặc biệt, các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang và Thái Nguyên. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên.

Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương ven biển thực hiện ứng trực, canh gác 24/24 giờ thường xuyên tại các vị trí xung yếu; kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian mưa lớn để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người do cây đổ, nước cuốn...
Đối với các tỉnh miền núi, cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở, chia cắt. Đồng thời, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Cùng với đó, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do bão, lũ gây ra.
Bích Nguyên