Biên phòng - Sáng 20-7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV đã được khai mạc trọng thể tại Nhà QH. Sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH khóa XIV Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, QH cần phát huy truyền thống và các kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH trong giai đoạn mới.
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội
Sau phiên khai mạc, QH tiến hành các bước bầu Chủ tịch QH khóa XV, các Phó Chủ tịch QH, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH. Bên cạnh đó, QH nghe và thảo luận tại tổ các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; báo cáo chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...
Phát biểu chào mừng các đại biểu, khách quý cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, QH khóa XV tiến hành kỳ họp đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động QH.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trải qua hơn 75 năm, QH nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới 35 năm qua mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động không thuận lợi từ bên ngoài và những hạn chế, yếu kém từ trong nước, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết, thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, QH cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của QH trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đối với những vấn đề cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, QH cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Trong ngày đầu của Kỳ họp thứ nhất, QH đã tiến hành các bước bầu Chủ tịch QH khóa XV và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH khóa XIV được QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch QH khóa XV. Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch QH trân trọng cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu và nguyện sẽ cống hiến hết sức mình cùng QH, tập thể Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH và các vị đại biểu QH, phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, QH sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế.
Viết Hà