Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 05:33 GMT+7

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

Biên phòng - Trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả xã hội. Ngày 4-9-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; ngày 24-8-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Thủ tướng Chính phủ thường xuyên ban hành các Công điện, Chỉ thị chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

6uic501ehf-8361_f_jpntpqx80_tainan2_cduq_thumb
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Minh họa

Từ sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước cũng như của các cấp, các ngành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng như tình trạng vi phạm an toàn giao thông. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương cũng như thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông đã có chiều hướng suy giảm, năm sau thấp hơn năm trước.

Năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ. So với năm 2016, số vụ tai nạn giao thông năm 2017 giảm 7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 5,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 8,3%); số người chết giảm 4,7%; số người bị thương giảm 9,6% và số người bị thương nhẹ giảm 12,6%. Bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ.

Năm 2018, với mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ tai nạn giao thông Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã sớm tổ chức triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2018 với chủ đề "An toàn giao thông cho trẻ em" nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017; cơ bản hoàn thành việc xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông; xóa bỏ đường ngang dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hạn chế tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tập trung vào các nhóm giải pháp, tiếp tục hoàn thiện thể chế về an toàn giao thông; tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới; xây dựng và hoàn thiện văn bản hướng dẫn các luật hiện hành liên quan đến đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; các chế tài xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chú trọng đến sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.

Xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn cần nêu gương về văn hóa giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm an toàn giao thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại gắn với phát huy các bộ môn văn hóa, nghệ thuật dân tộc; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường hoạt động của thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe chở container. Trường lợp lái xe vi phạm nhiều lần mà nguyên nhân xuất phát từ kỹ năng, nghiệp vụ lái xe thì phải xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư để hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, quy định về thắt dây an toàn đối với người ngồi trên xe ô tô; tăng cường hoạt động tuần tra lưu động, giảm tình trạng lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông…

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cơ cấu lại hệ thống dịch vụ vận tải theo hướng giảm áp lực cho vận tải đường bộ; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt.

Phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng, gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm.

V.H

Bình luận

ZALO