Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị

Biên phòng - Những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Buổi sinh hoạt “Tổ ba người” của cán bộ, chiến sĩ tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 2, Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu. Ảnh: Trọng Thành

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị đối với cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông đã quán triệt nghiêm các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên về thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, đồng thời, bám sát nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Theo chia sẻ của Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông, để giáo dục chính trị không bị “khó và khô”, đơn vị đã chú trọng đổi mới mạnh mẽ hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, từ khâu biên soạn, thông qua giáo án, bài giảng đến tổ chức học tập, kiểm tra đánh giá kết quả. Theo đó, hệ thống giáo án, bài giảng được xây dựng dưới hình thức bài giảng điện tử, kết hợp những nội dung chính cần ghi chép với hệ thống sơ đồ, bảng biểu, số liệu, hình ảnh, video mô tả trực quan, sinh động nhằm giúp người học dễ tiếp thu.

Với phương châm “lấy người học làm trung tâm của quá trình giảng dạy chính trị”, trong quá trình giảng dạy, cán bộ chính trị luôn chú trọng đến sự tương tác giữa người học và người giảng, thông qua việc đặt ra những câu hỏi, sử dụng dẫn chứng minh họa, nhất là những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác, kích thích người nghe phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận, tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong các buổi học. Qua đó, giúp bộ đội nắm chắc từng nội dung và hiểu bài ngay tại buổi học.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trước tình hình quân số phân tán, thực hiện nhiệm vụ “kép” quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại các tổ, chốt, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã tổ chức tốt việc học bù, đồng thời cử cán bộ chính trị đến giảng dạy trực tiếp tại các tổ, chốt. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu biên giới.

Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị cũng được Đồn Biên phòng Huổi Luông đổi mới sát với thực tiễn, đảm bảo thực chất. Việc kiểm tra được tiến hành dưới nhiều hình thức như: Kiểm tra thường xuyên kết hợp với kiểm tra đột xuất, kiểm tra tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp. Qua đó, đánh giá đúng trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ với những chuyên đề được học. Năm 2020, kết quả kiểm tra nhận thức chính trị cho thấy, 100% cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều đạt yêu cầu, trong đó có trên 85% đạt khá, giỏi.

Trong công tác quản lý, nắm tình hình tư tưởng bộ đội, với đặc thù của đơn vị đóng quân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ phần lớn sống xa nhà trong thời gian dài, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn; các thế lực thù địch ra sức chống phá toàn diện trên các mặt, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; tác động mặt trái của kinh tế thị trường... đã tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội. Do đó, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã triển khai nhiều biện pháp công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội. Đơn vị đã tập trung làm tốt 5 khâu cơ bản của công tác tư tưởng (dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng). Cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát hiện với giải quyết tư tưởng; tập trung vào những thời điểm thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao, khó khăn, tác động của cuộc sống, gia đình đến cán bộ, chiến sĩ để dự báo và giải quyết tư tưởng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những mô hình mà đơn vị đã duy trì có hiệu quả trong thời gian qua là “Tổ ba người”. Theo đó, đơn vị đã lựa chọn các đồng chí có uy tín trong tập thể, gương mẫu trong công việc, cuộc sống làm tổ trưởng “Tổ ba người”; sau đó, quan tâm chăm lo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác cho các đồng chí. Trong quá trình sinh hoạt, công tác, các thành viên trong tổ gắn kết với nhau như anh em một nhà, thường xuyên chia sẻ mọi buồn vui, khó khăn trong công việc, cuộc sống, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hằng ngày, các “Tổ ba người” duy trì nghiêm chế độ báo cáo kết quả hoạt động của tổ, nhằm giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị nắm tâm tư, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Từ đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị sẽ đề ra chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết tốt công tác tư tưởng, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động cho bộ đội.

Tiêu biểu như trường hợp của Trung úy Giàng A Tủa, nhân viên Đội Trinh sát, hôn lễ của anh và cô dâu Vừ Thị Ly dự định tổ chức vào cuối tháng 4, tại quê nhà Sơn La, mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới đã hoàn tất, tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, anh đã quyết định hoãn cưới để thực hiện nhiệm vụ. Qua trao đổi hằng ngày, Thượng úy Đặng Văn Ton, Đội trưởng Đội Trinh sát nắm được sự lo lắng của đồng đội, nên đã báo cáo với Chính trị viên đơn vị để có biện pháp giúp đỡ. Được sự quan tâm, chia sẻ của chỉ huy đơn vị, gia đình hai bên đã hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của đồng chí Tủa. Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị cũng động viên, khích lệ, biểu dương đồng chí Tủa để đồng chí yên tâm gác lại niềm riêng, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài phát huy hiệu quả các biện pháp, giải pháp nêu trên, Đồn Biên phòng Huổi Luông cũng tổ chức tốt các hoạt động đối thoại dân chủ, diễn đàn thanh niên, tọa đàm sĩ quan trẻ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao..., thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Những hoạt động đó đã tạo ra sự gần gũi, gắn bó, đoàn kết giữa cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Từ đó, bộ đội mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình với cấp trên và nhận được sự động viên, giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ, chiến sĩ ổn định về tư tưởng, yên tâm công tác tại đơn vị.

Trọng Thành

Bình luận

ZALO