Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những chủ trương, chính sách đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi đã có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

xade_16
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La dạy các con nuôi của đồn học bài. Ảnh: Thanh Thuận

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đến nay, quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp ở vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Phần lớn các thôn, bản vùng cao, biên giới đã có lớp mầm non; các xã có trường tiểu học và trường trung học cơ sở; các huyện đều có trường trung học phổ thông. Hiện nay, toàn vùng có 5.766 trường mầm non, giảng dạy theo chương trình mầm non mới; số lượng trẻ được ăn bán trú đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 5%. Ngoài ra, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng. 

Chất lượng giáo dục của các trường Phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên qua từng năm học. Trong số 6.000 học sinh Phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, 5% đi học cử tuyển, 13% đi học dự bị đại học, khoảng 30% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, tỷ lệ học sinh DTTS và miền núi tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ngày càng cao, đã góp phần nâng cao tỉ lệ và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động có tay nghề là người DTTS. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “BĐBP là lực lượng đóng quân trên địa bàn biên giới, bờ biển, vùng sâu, vùng xa, đồng bào ở khu vực đó đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp. Trước tình hình đó, xác định nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP đã tích cực đi đầu trong công tác phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục trên địa bàn, đặc biệt trong công tác giáo dục”. 

Triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị BĐBP đã đỡ đầu cho gần 3.000 học sinh với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho các cháu từ lớp 1 đến lớp 12 ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, con các gia đình chính sách, học sinh nước bạn Lào, Campuchia ở địa bàn tiếp giáp biên giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, các đồn Biên phòng cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương mở được gần 300 lớp xóa mù chữ cho gần 10.000 học viên, 196 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 3.000 học sinh, 45 lớp học tình thương cho 934 học sinh. Phối hợp vận động 48.054 học sinh bỏ học trở lại trường, vận động 66.078 học sinh trong độ tuổi được đến trường.

Mới đây nhất, thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng trên toàn quốc đã nhận nuôi 120 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con em của bà con dân tộc thiểu số về nuôi các đơn vị, nhằm tạo điều kiện cho các cháu học tập, phấn đấu, phát triển. Đây là một mô hình có ý nghĩa thiết thực mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc trên biên giới.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đó, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã trực tiếp đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Hình ảnh người "thầy giáo quân hàm xanh" đã trở nên gần gũi, thân thuộc với đồng bào DTTS và miền núi, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi biên giới ghi nhận, đánh giá cao, là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thành Chung

Bình luận

ZALO