Biên phòng - Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên của các học viện, nhà trường trong BĐBP luôn nỗ lực phấn đấu trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ BĐBP. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Biên phòng xin giới thiệu một số điển hình giảng viên, giáo viên giỏi đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các học viện, nhà trường trong BĐBP.

Người “truyền lửa” cho học viên
Gần 10 năm giảng dạy tại Trường Trung cấp Biên phòng 24, Thiếu tá Phạm Văn Hiệu, Chủ nhiệm Bộ môn Truy lùng, Khoa Huấn luyện chó chiến đấu luôn được cấp trên, đồng nghiệp và học viên đánh giá cao. Anh luôn tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề, là người “truyền lửa” đam mê đến các học viên, huấn luyện viên chó nghiệp vụ.
Thiếu tá Phạm Văn Hiệu cho biết: Huấn luyện chó nghiệp vụ là một quá trình gian nan, vất vả, vậy nên để có thể gắn bó với công việc huấn luyện những “chiến binh” đặc biệt này, bên cạnh tình yêu với động vật, học viên cần phải có đam mê, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện, các học viên không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Các học viên cần huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, hướng dẫn từng động tác nhỏ, tập cho chó quen dần với tiếng nổ của súng đạn, lửa khói, hơi cay... Sự kiên trì, nhẫn nại, lòng nhiệt huyết chính là bí quyết tạo nên thành công.
Luôn đổi mới phương pháp giảng dạy
Thời gian qua, Trung tá Phạm Như Quỳnh, giảng viên Tổ Tâm lý, Giáo dục, Khoa Công tác Đảng - Công tác chính trị, Học viện Biên phòng luôn học hỏi, tìm tòi nghiên cứu để đổi mới phương pháp giảng dạy. Trung tá Quỳnh tâm niệm: "Dạy học không đơn thuần là truyền tải kiến thức từ giáo trình đến với học viên mà phải đào sâu lý luận, đổi mới phương pháp để học viên vận dụng lý luận vào thực hiện nhiệm vụ công tác sau này".
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, Trung tá Quỳnh luôn tìm kiếm những tài liệu, giáo trình qua thư viện, mạng internet để tìm hiểu thêm về tâm lý học quân sự, gắn với chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. Đồng thời, qua quá trình đi thực tế tại các đơn vị cơ sở, từ những câu chuyện của đồng chí, đồng đội đã giúp chị bổ sung thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn vào bài giảng và các đề tài nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo nội dung bài giảng, Trung tá Quỳnh luôn đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Trong quá trình giảng dạy, chị kết hợp hài hòa giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp trực quan và thực hành; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học mới như nêu vấn đề, tình huống, kết hợp với sử dụng hình ảnh, video trực quan, sinh động, góp phần tạo sự cuốn hút cho học viên khi lên lớp.
Giúp học viên sử dụng thành thạo vũ khí, hỏa lực
Trung tá Hồ Quốc Phương, giảng viên Tổ Bắn súng, Khoa Quân sự, Học viện Biên phòng cho biết: Việc sử dụng thành thạo vũ khí có vai trò quan trọng trong công tác huấn luyện chiến đấu nói riêng và công tác quản lý, bảo vệ biên giới nói chung của BĐBP. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng trang bị đầy đủ những kiến thức về vũ khí, yếu lĩnh động tác cho các học viên. Ngoài ra, tôi cũng đưa ra các vấn đề, tình huống cho học viên thảo luận, sau đó đưa ra nhận xét. Các học viên nắm vững kiến thức, yếu lĩnh động tác sẽ tự tin sử dụng thành thạo vũ khí để đạt kết quả cao nhất và đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình kiểm tra, diễn tập. Kết quả diễn tập tốt nghiệp cuối khóa 3 năm gần đây, tỉ lệ học viên đạt loại giỏi về sử dụng vũ khí, hỏa lực đạt từ 70 đến 80%.
Với lòng say mê yêu nghề, Trung tá Phương chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những người thầy đi trước, từ đồng nghiệp. Anh đã tích cực nghiên cứu tài liệu, giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy sát với tình hình thực tế ở biên giới và hoạt động của các đồn Biên phòng, nhờ đó, chất lượng huấn luyện ngày càng được nâng cao.
Gắn thực tiễn vào bài giảng
Thiếu tá Dư Đình Trung, Chủ nhiệm Bộ môn Tiếng Trung, Khoa Ngoại ngữ - Tin học, Trường Trung cấp Biên phòng 1 cho biết, hiện nay, việc học tiếng Trung Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho các cán bộ BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đối ngoại biên phòng. Do đó, để phát huy được năng lực học viên, tôi đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy khoa, xây dựng chương trình môn học cho các đối tượng, chương trình đào tạo sát tình hình thực tế của đơn vị và các đối tượng huấn luyện. Ngoài ra, tôi cũng xây dựng bài giảng phù hợp để có thể khơi dậy tư duy sáng tạo, tính chủ động và tích cực của người học. Kết hợp linh hoạt giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và những xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ.
Trong những bài giảng của mình, Thiếu tá Trung luôn cố gắng đưa ra những văn bản thực tế ở khu vực biên giới như: Thư thông báo, thư bàn giao, tuần tra song phương, văn bản hội đàm định kỳ... Anh cũng đưa ra những tình huống thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho học viên thực hành xử lý các vấn đề. Từ những bài học thực tiễn sẽ giúp học viên xử lý thuận lợi hơn sau khi về đơn vị nhận nhiệm vụ.
Thành Chung (thực hiện)