Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 02:53 GMT+7

Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số rất ít người

Biên phòng - Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu cụ thể. Trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số khẳng định, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 thể hiện những quan điểm, định hướng mới của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân số, đặc biệt là dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người.

1c53_8a
Ông Nguyễn Văn Tân. Ảnh: Thanh Lan

- Thưa ông, những điểm nổi bật trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt là gì?

- Tôi cho rằng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có 2 điểm cốt lõi, mang tính bước ngoặt. Không chỉ giải quyết vấn đề quy mô dân số, chiến lược lần này giải quyết toàn diện, đồng bộ vấn đề về dân số để đảm bảo đất nước phát triển. Thứ nhất, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt từ quy mô, cơ cấu, phân bổ, đặc biệt là chất lượng dân số. Thứ hai, về kế hoạch hóa dân số, nước ta không tiếp tục thực hiện công tác giảm sinh nữa mà trước mắt, duy trì cho bằng được mức sinh thay thế càng lâu càng tốt. Trước đây, chúng ta tuyên truyền để người dân sinh ít  đi, giờ thì không phải như vậy. Năm 2011, mức sinh ở nước ta giảm xuống 1,99 con/phụ nữ. Từ đó, đến giờ chưa khi nào mức sinh vượt qua 2,1 con/phụ nữ.  Trong khi đó, một số khu vực mức sinh vẫn tiếp tục giảm. Do đó, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu đầu tiên là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

- Trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu thứ 2 là bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dưới 10.000 người, đặc biệt là DTTS rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi. Theo ông, cần có những giải pháp nào để thực hiện thành công mục tiêu này?

- Trong chiến lược có nêu một mục tiêu, bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt là các DTTS có dân số dưới 10.000 người, làm thế nào đó để dân số của những dân tộc này tăng nhanh hơn mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, chất lượng dân số cũng được nâng lên so với mặt bằng chung của cả nước. 8 giải pháp trong chiến lược đều thể hiện sự tác động tới mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng dân số vùng DTTS, đặc biệt là nhóm DTTS có dân số dưới 10.000 người hoặc rất ít người. 

Tuy nhiên, theo tôi, công tác tuyên truyền về dân số ở vùng DTTS sẽ được ưu tiên hơn, nội dung tuyên truyền cần phù hợp với đồng bào các dân tộc này. Ngoài ra, cũng phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí là cung cấp miễn phí các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ sinh sản và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Các dịch vụ đó, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn so với các khu vực khác. 

- Tức là phải có những chính sách cụ thể để bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dân số dưới 10.000 người?

- Tất nhiên phải có các văn bản pháp quy quy định sự hỗ trợ cho công tác dân số vùng DTTS. Thời gian qua, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ví dụ như Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách dân số...

- Để đạt mục tiêu ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS như chiến lược đã đề ra, chúng ta sẽ phải tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS là vấn đề rất phức tạp. Nhà nước ta đã quy định rõ mức xử lý vi phạm hành chính trong hôn nhân theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, giữa luật và đời sống thực tiễn có độ vênh vì thực tế, nhiều cặp vợ chồng kết hôn với nhau nhưng không tới chính quyền làm thủ tục đăng ký nên không ngăn chặn, hoặc không xử phạt được. Về mặt xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, tôi cho rằng cũng phải tìm cách xử lý sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác tuyên truyền. Chúng ta phải tuyên truyền mạnh những hệ quả của việc kết hôn sớm, sinh con sớm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe đối với cả bà mẹ và trẻ em.

391b_8b
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đạt mục tiêu phát triển cả số lượng và chất lượng dân số các DTTS rất ít người. Ảnh: Bích Nguyên

Thời gian qua, Tổng cục Dân số đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hiện nay, hai bên đang phối hợp xây dựng Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt là các DTTS có dân số dưới 10.000 người để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một đề án riêng biệt, có kinh phí riêng, có chính sách cụ thể để thực hiện. 

- Về tầm vóc, chiều cao của người Việt Nam nói chung, người DTTS nói riêng tăng rất chậm trong 30 năm qua, ông có thể lý giải vì sao?

- Gần 30 năm qua, chiều cao trung bình của người Việt Nam chỉ tăng lên 3cm tính chung cho cả nam lẫn nữ. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có giải pháp phù hợp. Tôi hy vọng là trong thời gian tới, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp tốt hơn trong điều kiện nền kinh tế đất nước đã tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, chương trình sữa học đường được quan tâm và triển khai rộng trên toàn quốc. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục thể chất cho học sinh. Tựu chung lại, trong thời gian tới, cần quan tâm tới cả vấn đề dinh dưỡng và giáo dục thể chất để nâng cao tầm vóc cho người Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu: Duy trì tỷ lệ tăng dân số của các DTTS dưới 10.000 người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số các DTTS dưới 10.000 người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước. Cụ thể, đến năm 2030, quy mô dân số các DTTS dưới 10.000 người giữ ở mức 1,2 triệu người, tỉ lệ tảo hôn giảm còn 12%, tỉ lệ hôn nhân cận huyết giảm còn 3%. 

Thanh Lan

Bình luận

ZALO