Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật của BĐBP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Biên phòng - BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển, đảo; đồng thời, sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các mặt công tác, trong đó, chú trọng đến nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật (CTKT), đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong mọi tình huống.

Đại tá Vũ Khương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật BĐBP (thứ hai từ trái sang) kiểm tra kỹ thuật xe ô tô tại cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Minh Xa

Cục Kỹ thuật BĐBP là cơ quan kỹ thuật cấp chiến dịch, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện CTKT và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cơ sở kỹ thuật... duy trì, thực hiện nghiêm các mặt CTKT, luôn chú trọng việc đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, do đó, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nền nếp, chất lượng CTKT trong toàn lực lượng BĐBP.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW ngày 29/11/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới, Cục Kỹ thuật BĐBP đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy BĐBP ban hành Nghị quyết số 98-NQ/ĐU ngày 6/7/2011 về nâng cao chất lượng CTKT của BĐBP trong tình hình mới và Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Chương trình hành động số 1300/CTr-BTL ngày 11/7/2011 về việc thực hiện Nghị quyết số 98-NQ/ĐU giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ngay khi có Nghị quyết số 98-NQ/ĐU của Đảng ủy BĐBP; cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT; tổ chức xây dựng điểm một số cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm. Đảng ủy BĐBP các tỉnh, thành phố đã ra nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban Chỉ đạo, phân công chỉ huy trực tiếp phụ trách việc triển khai thực hiện.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, kết quả CTKT trong BĐBP đạt được những kết quả nổi bật, đó là nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTKT trong các hoạt động của đơn vị; nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP). Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, Chỉ lệnh CTKT; từ năm 2011 đến nay, đã tham mưu đề xuất BQP ban hành 6 thông tư của Bộ trưởng BQP về CTKT và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Từ đó, CTKT có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Cục Kỹ thuật BĐBP cũng đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1424/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hải đoàn, hải đội và đồn, trạm Biên phòng tuyến biển, đảo giai đoạn 2011-2020; đề xuất BQP đàm phán thành công và triển khai dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ và dự án đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang bị kỹ thuật cho lực lượng BĐBP; hoàn thành dự án sửa chữa lớn 17 tàu Grip bảo đảm chất lượng, khôi phục tính năng kỹ thuật, chiến thuật, kéo dài tuổi thọ vòng đời của phương tiện.

Cùng với đó, số vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) được mua sắm, đóng mới, sửa chữa lớn tập trung vào nhóm trang bị chính của các ngành: Tàu thuyền, xe-máy, trang thiết bị cửa khẩu, trang thiết bị trinh sát, trang thiết bị phòng, chống ma túy và tội phạm, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin... bước đầu đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần quan trọng để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo nguồn lực, ngân sách mua xe ô tô bán tải theo cơ chế 50% ngân sách quốc phòng, 50% ngân sách địa phương trang bị cho các đồn Biên phòng và mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sửa chữa phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, Cục Kỹ thuật BĐBP đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 4/12/2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn kho tàng, trạm xưởng, Chỉ thị số 87/CT-BQP ngày 16/8/2010 của Bộ trưởng BQP về việc xây dựng dự án, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật toàn quân giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức kiểm tra, khảo sát, quy hoạch, tổng hợp nhu cầu trữ lượng kho đạn cấp chiến dịch, thực trạng nhà kho cất chứa.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất ngân sách đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kho quân khí đồn Biên phòng, khu kỹ thuật của các đơn vị, học viện, nhà trường đảm bảo điều kiện, diện tích cất giữ vũ khí, đạn sẵn sàng chiến đấu; chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phát huy nội lực, kết hợp nguồn kinh phí được bảo đảm và huy động nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật, trạm sửa chữa tổng hợp cấp chiến dịch, chiến thuật, nhà kho, nhà xe, nhà che VKTBKT theo chương trình, mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Kỹ thuật BĐBP đã phối hợp với các cơ quan kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ VKTBKT phục vụ cho lực lượng phòng chống dịch, sản xuất bảo đảm được 551 tủ súng K21 trang bị cho các tổ chốt, đội công tác thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đầy đủ hệ thống văn kiện thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu theo quy định.

Những năm tới, nhiệm vụ công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đòi hỏi ngày càng cao hơn, toàn diện hơn. Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam; BĐBP từng bước được đầu tư, trang bị nhiều loại vũ khí, thiết bị, phương tiện kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại, công nghệ cao, vì vậy, nhiệm vụ CTKT của BĐBP trong tình hình mới cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị BĐBP cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, Nghị quyết số 98-NQ/ĐU và kết luận của Đảng ủy BĐBP về nâng cao chất lượng CTKT của BĐBP trong tình hình mới, cũng như yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; chú trọng công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy và mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đối với CTKT.

Hai là, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, BQP, Tổng cục Kỹ thuật và cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp chiến lược, đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chính quy, vững mạnh. Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy trong tổ chức thực hiện ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đưa CTKT đi vào chiều sâu, có nền nếp, chất lượng và hiệu quả.

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Kỹ thuật, các quân khu đưa vũ khí, xe máy, phương tiện vào sửa chữa tại các nhà máy, các xưởng trên khu vực theo kế hoạch; ưu tiên sửa chữa các loại VKTBKT làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các loại VKTBKT nằm trong quy hoạch sử dụng ở cường độ cao, môi trường khắc nghiệt.

Bốn là, tiếp tục thực hiện đề án đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp xây dựng mới cơ sở hạ tầng cho các hải đoàn, hải đội và đồn, trạm Biên phòng tuyến biển, đảo; đề án bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT mua sắm từ năm 2001 đến nay (Đề án 324-KT); dự án đóng mới tàu thuyền, mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng có công nghệ hiện đại cho lực lượng trinh sát, phòng, chống ma túy và tội phạm và lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh, thông tin, cơ yếu; dự án đầu tư đóng mới tàu tuần tra cao tốc trong gói tín dụng ưu đãi đợt 2 của Chính phủ Ấn Độ.

Năm là, tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ quản lý, khai thác, sử dụng, làm chủ VKTBKT, đặc biệt là trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác bảo đảm kỹ thuật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố thực hiện tốt Chỉ thị số 67/CT-TM ngày 5/12/2005 của Bộ Tổng Tham mưu về bảo đảm vũ khí, khí tài quan sát, đo đạc, quân cụ cầm tay cho BĐBP. Tổ chức thu hồi, điều chuyển, cấp đổi VKTBKT kịp thời theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, tập trung cấp đổi và đồng bộ vũ khí, đạn cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo rà soát, củng cố an toàn hệ thống kho quân khí tại các đồn, hải đoàn và tương đương, kho kỹ thuật tổng hợp cấp chiến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng BĐBP.

Thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp trên góp phần xây dựng ngành kỹ thuật BĐBP vững mạnh, chính quy, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả của CTKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đại tá Vũ Khương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật BĐBP

Bình luận

ZALO