Biên phòng - Với các chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, rủ rê đi lấy chồng nước ngoài có cuộc sống an nhàn, sung sướng…, tội phạm buôn người không từ các thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân vào “bẫy” rồi đưa bán qua nước ngoài. Thời gian qua, các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm, đồng thời triển khai các biện pháp đấu tranh triệt xóa các đường dây, bắt giữ các đối tượng liên quan.

Sau 12 năm bị bán, chịu cảnh tủi nhục ở nước ngoài, chị Ốc Thị Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 1992, trú tại một xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là 1 trong 4 nạn nhân may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, trở về đoàn tụ với gia đình.
Trước đó, khi vừa tròn 18 tuổi, chị Hương bị đối tượng Moong Văn Thạch, sinh năm 1977 (cùng trú tại địa phương) lừa bán sang Trung Quốc với số tiền tương đương 210 triệu đồng. Sau đó, chị Hương tiếp tục bị bán sâu vào trong nội địa nước sở tại để làm vợ của một người đàn ông, rồi chịu cực khổ khi bị bóc lột sức lao động… Sau 12 năm chịu đựng, vừa qua, chị Hương đã may mắn được lực lượng chức năng hai nước giải cứu trở về với gia đình và làm đơn tố cáo kẻ đã lừa bán mình. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ Moong Văn Thạch với hành vi mua bán người để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, nạn nhân Xeo Thị Ươn (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 2002, ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng bị các đối tượng Xeo Văn Dậu, sinh năm 1994, trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương; Cụt Thị Bông, sinh năm 1995 và Cụt Phò Thuận, sinh năm 1986 (cùng trú tại huyện Kỳ Sơn) cấu kết với nhau để bán qua Trung Quốc khi mới 14 tuổi. Tháng 7/2022, Ươn đã may mắn được giải cứu trở về và tố cáo hành vi của nhóm đối tượng đã lừa bán mình nhiều năm trước.
Nhận đơn tố cáo, lực lượng của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan. Quá trình triển khai nhiệm vụ, các lực lượng chức năng xác định 6 địa phương của tỉnh Nghệ An là địa bàn trọng điểm mà tội phạm mua bán người hoạt động phức tạp gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
Các đơn vị của BĐBP Nghệ An và các lực lượng liên quan cũng đưa ra phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, chủ yếu là lợi dụng các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Chúng dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm lương cao, công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn, đồng thời có tiền giúp đỡ gia đình nên một số nạn nhân tin, tự nguyện đi theo.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, lợi dụng tình trạng người lao động cần việc làm để lập ra các trang như “Việc làm Campuchia”, “Hội người Việt ở Campuchia”..., sau đó, tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân, hứa hẹn có việc làm với mức lương cao. Nhưng thực tế, các nạn nhân sang Campuchia làm việc tại các casino bị bóc lột sức lao động thậm tệ buộc phải gọi về gia đình nộp tiền chuộc để thoát thân. Ngoài ra, có một số đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang mang thai, hoặc thông qua các trang mạng xã hội để dụ dỗ số phụ nữ đang mang thai nhưng không muốn nuôi con đưa sang nước ngoài sinh con, rồi lừa bán.
Trước tình hình trên, các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân biên giới. Tùy vào địa bàn, đối tượng, các đơn vị đã triển khai bằng các hình thức khác nhau. Trong đó, tập trung phân tích, làm rõ để đồng bào thấy rõ những thủ đoạn tinh vi của tội phạm, biết cách phòng tránh, không rơi vào cạm bẫy do chúng bày ra. Tập trung hỗ trợ nhân dân tạo sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Chỉ trong năm 2022, các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã tổ chức tuyên truyền pháp luật được 3.383 buổi/13.867 lượt người theo dõi, trong đó, có nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình trong phòng, chống mua bán người như: “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương; “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người” ở huyện Kỳ Sơn…
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đơn vị chuyên trách của BĐBP Nghệ An đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người. Trên cơ sở đó, các đơn vị xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, triệt xóa các đường dây tội phạm, bắt giữ các đối tượng liên quan. Trong năm 2022, BĐBP Nghệ An đã triệt xóa 4 vụ án, bắt giữ 6 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người.
“Tội phạm mua bán người hoạt động với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân bán ra nước ngoài. Nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã chủ động tuyên truyền để nhân dân phòng ngừa, đồng thời tổ chức đấu tranh để bắt giữ các đối tượng liên quan” - Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Nghệ An cho biết.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là BĐBP và các lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Bởi, hầu hết các nạn nhân khi được giải cứu mới chỉ được hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe, các nhu cầu thiết yếu ban đầu mà chưa được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như vay vốn, học nghề, tạo việc làm... Do vậy, cùng với công tác phòng, chống tội phạm các cấp , các ngành cần quan tâm hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng cao, biên giới, đặc biệt là đối với phụ nữ, xác định đây là một trong những giải pháp bền vững trong công tác phòng chống, ngăn chặn nạn buôn người.
Viết Lam