Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Nâng cánh ước mơ cho tân sinh viên đại học người dân tộc Chứt

Biên phòng - Em Hồ Thị Sương là người đầu tiên của đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đỗ đại học. Em là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, em đạt 24 điểm, trúng tuyển vào ngành Mầm non, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đỡ đầu em Hồ Thị Sương học đại học trong suốt 4 năm với số tiền hỗ trợ hàng tháng là 1.500.000 đồng. Ảnh: Thanh Giang

Trong căn nhà nhỏ, nằm bên sườn núi Ka Đay, bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, những ngày vừa qua đã diễn ra một sự kiện rất đặc biệt. Em Hồ Thị Sương, học sinh Trường Tiểu học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh, người con của đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh nhận đỡ đầu học đại học trong suốt 4 năm với số tiền hỗ trợ hàng tháng là 1.500.000 đồng. Bà con dân bản Rào Tre, các thầy giáo, cô giáo của em, chính quyền địa phương đã đến chúc mừng, trao nhiều phần quà cho gia đình và em Hồ Thị Sương.

Sương có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Từ nhỏ, em đã thiếu vắng tình yêu thương của bố, mẹ em dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi các con ăn học. Với quyết tâm học tập để thay đổi số phận, có việc làm để đỡ đần cho mẹ, chăm lo cho các em, Hồ Thị Sương luôn cố gắng, nỗ lực vượt bậc trong học tập. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, em đã đạt 24 điểm, trúng tuyển vào ngành Mầm non, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh. Hồ Thị Sương chia sẻ: “Ngày biết kết quả đỗ đại học, em và mẹ vui mừng nhưng cũng rất lo lắng, vì nhà em nghèo không có tiền để đi học. Bữa trước, các chú BĐBP cắm bản đến thông báo cho em là các bác lãnh đạo ở Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã biết hoàn cảnh của em và quyết định đỡ đầu cho em đi học đại học rồi. Đêm đó, mẹ con em vui sướng đến rơi nước mắt. Em và gia đình cảm ơn các chú Biên phòng nhiều lắm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng của các chú, trở thành một cô giáo mầm non thật giỏi, sau này trở về bản Rào Tre để dạy dỗ cho các em nhỏ, xây dựng bản làng”...

Chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre cho biết: “Cả bản mấy hôm nay vui lắm. Thật vinh dự và tự hào vì lần đầu tiên bản có người đỗ đại học. Mai này, bản Rào Tre sẽ có cô giáo mầm non, rồi lũ trẻ sẽ được chính người của đồng bào mình dạy dỗ. Các cháu học sinh sẽ noi gương chị Sương học tập để có thêm nhiều người nữa đậu vào đại học. Mình cùng như bà con dân bản Rào Tre biết ơn BĐBP Hà Tĩnh vô cùng”.

Bản Rào Tre, xã Hương Liên hiện có 44 hộ với 156 nhân khẩu, có 39 học sinh đang theo học ở các cấp học. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và BĐBP Hà Tĩnh trong triển khai đề án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre đã có sự thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển, đời sống của bà con ngày một khấm khá, ấm no, hạnh phúc.

Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ em Hồ Thị Sương học đại học, trong đầu năm học 2021 - 2022, BĐBP Hà Tĩnh cũng đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên hai tuyến biên giới, bờ biển của Hà Tĩnh như mua tặng quần áo, sách vở cho các em trước năm học mới, xây dựng phòng học trực tuyến để các con nuôi đồn Biên phòng học tập ở nhà trong những ngày thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ “Nâng bước em tới trường” cho 44 em học sinh, với số tiền 500.000 đồng/tháng/em.

Tiến sĩ Trần Thị Ái Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh đại diện Nhà trường trao tặng chiếc bút cho tân sinh viên Hồ Thị Sương. Ảnh: Minh Toàn

Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh khẳng định: Những năm qua, BĐBP Hà Tĩnh đã luôn dành sự quan tâm và chăm lo đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới. Chúng tôi đã triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, mô hình “Tiếp lửa yêu thương”. Cùng với sự quan tâm, giúp sức của các thầy giáo, cô giáo, tin rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều học sinh nghèo hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như các em học sinh người dân tộc Chứt, bản Rào Tre đậu vào các trường đại học.

Đón chào người con của đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre là sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Hà Tĩnh, cô giáo, Tiến sĩ Trần Thị Ái Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh xúc động nói: “Các anh BĐBP là những người cha, các cô giáo, thầy giáo của Trường Đại học Hà Tĩnh chúng tôi sẽ là những người mẹ, chúng tôi sẽ luôn đem hết trách nhiệm và tình yêu thương để chăm lo, dạy dỗ các em trưởng thành. Nhà trường sẽ có những quan tâm đặc biệt để em Sương có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất trong 4 năm học tập tại trường”.

Minh Toàn

Bình luận

ZALO