Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 06:40 GMT+7

Nâng bước học sinh nghèo vượt khó

Biên phòng - Càng cận kề ngày khai giảng năm học mới, Tổ công tác địa bàn Đồn BP cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai lại càng bận bịu hơn. Việc chuẩn bị quà cho các học sinh nghèo vượt khó, chuyện Bếp ăn tình thương chuẩn bị đỏ lửa để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn lại được no cái bụng mỗi khi tan trường.

vmsg_5b
Thiếu tá Vũ Văn Hoằng thăm, tặng quà gia đình chị Rơ Mah H’Bri. Ảnh: Trúc Hà

Không khó khăn để chúng tôi tìm được nhà anh Siu Jơn và chị Rơ Mah H’Bri, bởi ở làng Mook Đen (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) này ai cũng biết. Mấy năm trở lại đây, chị H’Bri ốm đau liên miên. Vợ ốm, 4 con đều đang tuổi ăn tuổi học nên mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai anh Siu Jơn. Nhưng, chỉ với 1ha trồng điều xen canh với lúa thì anh Siu Jơn có cố gắng đến mấy cũng lực bất tòng tâm để cái nghèo cứ đeo bám. Đã có lúc, anh chị nghĩ đến việc để con trai đầu là Rơ Ma Khánh thôi học.

Nhưng mới nghỉ được 1 buổi, hết thầy cô giáo đến nói chuyện “có khó khăn đến mấy thì cũng phải cố gắng học hết lớp 12”, lại các chú BĐBP đến nói “cứ để Khánh và 2 em Khải, H’Đuối đi học về, ăn bữa trưa ở Tổ công tác”. Đến khi cô con gái út tên H’Uối vào lớp 1, sau mỗi lần tan học cũng mặc nhiên theo anh chị về Tổ công tác địa bàn của các chú Biên phòng ăn cơm rồi mới về nhà. Thế nên anh Siu Jơn, chị H’Bri chẳng còn lý do gì để con nghỉ học.

Thực ra, câu chuyện con chữ của gia đình chị Rơ Mah H’Bri với những người lính Biên phòng đã được bắt đầu cách đây 20 năm. Khi ấy, anh bộ đội Biên phòng Vũ Văn Hoằng mới ra trường về Ia Dom công tác. Suốt mấy năm liền, anh là thầy giáo giảng dạy lớp học xóa mù trên địa bàn. Trong số học sinh đến với thầy giáo Hoằng khi ấy có chị Rơ Mah H’Bri. Ân tình này, chị Rơ Mah H’Bri không bao giờ quên được.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoằng tâm sự: “Tôi nghĩ, điều quan trọng là người lính Biên phòng đóng quân ở biên giới phải biết thương đồng bào. Nếu có tình thương thì mọi khó khăn đều có cách giải quyết”. Bởi vậy, mỗi lần về nhà, anh lại đến nhà hàng xóm, người quen để xin sách vở cũ, cặp cũ nhưng vẫn còn lành lặn để mang về đơn vị.

Đến cơ quan, đơn vị nào có bàn ghế cũ anh cũng ngỏ ý xin. Bởi vậy mà nhiều học sinh ở Ia Dom hay xã Ia PNôn (nơi Thiếu tá Vũ Văn Hoằng từng công tác 7 năm) có thêm chiếc bàn học, bộ sách giáo khoa, chiếc cặp khi vào năm học mới. Tấm lòng vì học trò của người giáo quân hàm xanh này chưa khi nào vơi dù anh không còn đứng lớp. Hiểu được tấm lòng của thầy, học sinh của anh dù đã lên chức cha mẹ, chuẩn bị làm ông bà, nhưng vẫn một lời “em chào thầy” mỗi khi gặp lại.

Từ năm học 2012-2013, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bắt đầu duy trì Bếp ăn tình thương giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Để có những bữa cơm đủ đầy vật chất lẫn tinh thần ấy, hàng tháng, mỗi cán bộ của đơn vị đều đóng góp từ 20 nghìn đồng (đối với chiến sĩ), 100 nghìn đồng (đối với quân nhân chuyên nghiệp) và 200 nghìn đồng (đối với chỉ huy đơn vị). Việc làm ấy khiến mọi người không chỉ thấy có trách nhiệm mà thấy mình được góp tay giúp các em học sinh còn thiệt thòi.

Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên Đồn BP cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chia sẻ: “Có nhìn thấy các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, thấy những khó khăn của các em khi đến lớp áo không đủ ấm, cơm không đủ no thì mới thấy mình cần phải làm điều gì đó. Bếp ăn tình thương của đơn vị ra đời vì lý do như thế”.

Thượng úy Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cũng là người phụ trách Tổ công tác địa bàn tại xã Ia Dom, nơi duy trì Bếp ăn tình thương. Hằng ngày, Thượng úy Nguyễn Văn Cường tổ chức cho cán bộ đi chợ. Khoảng 1 tiếng trước giờ tan học, những cán bộ được phân công sẽ chuẩn bị bữa ăn. Vậy nên khi các học sinh tan học, về đến tổ công tác thức ăn còn nóng sốt. Cơm, thức ăn đã chín, học sinh đi học về sẽ tự giác dọn bàn. Ăn xong sẽ tự rửa bát, dọn dẹp bếp mới ra về.

Mọi người đều hiểu rằng, việc dọn và rửa bát, những người lính Biên phòng có thể làm đơn giản nhưng các anh muốn rèn luyện các cháu tính tự lập, tự giác và từ đó về gia đình có thể giúp bố mẹ làm con ngoan, trò giỏi. Thế mới thấy, những người lính quân hàm xanh dù ở cương vị nào cũng luôn là những người thầy.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO