Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

“Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” - Những cách làm hay cần tiếp tục nhân rộng

Biên phòng - 5 năm qua (2016-2021), BĐBP Sơn La đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào các dân tộc nơi biên giới cũng như các em học sinh nước bạn Lào thuộc diện đặc biệt khó khăn, có cơ hội được đến trường học tập. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với ông Cầm Văn An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La để tìm hiểu cụ thể hơn về chương trình và mô hình ý nghĩa này.

Ông Cầm Văn An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Ông đánh giá như thế nào về Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” được BĐBP Sơn La triển khai thực hiện trong những năm qua?

- Sơn La là tỉnh miền núi, nhân dân ở các huyện biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra.

Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã triển khai thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, qua đó, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới được đến trường học tập.

Bên cạnh đó, với mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, thông qua việc được BĐBP nhận làm con nuôi, các em học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, được tiếp cận kiến thức, kỹ năng từ sự dạy dỗ, chỉ bảo tận tình của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Môi trường quân đội là môi trường kỷ luật, kỷ cương nhưng cũng đầy tính nhân văn, coi trọng tình thương, đề cao trách nhiệm, đó là những điều may mắn khi các em là “con nuôi đồn Biên phòng” được thụ hưởng. Ở các đồn Biên phòng, các em đã thực sự có một gia đình mới, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chú bộ đội, được dạy bảo những điều hay lẽ phải, thậm chí có điều kiện hơn những em học sinh khác cùng trang lứa.

Thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, tương lai của nhiều trẻ em nghèo trở nên rộng mở, chắp cánh ước mơ cho các em trên con đường học vấn. Người lính Biên phòng không chỉ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc, mà còn chăm lo cho đời sống của đồng bào các dân tộc. Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh luôn tạo được dấu ấn trong lòng người dân biên giới.

- Đề nghị ông cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La được thực hiện như thế nào?

- Trong 5 năm qua (2016-2021), Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện rất tốt. Cụ thể, ngay khi triển khai chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện biên giới phối hợp chặt chẽ với các đồn Biên phòng, các nhà trường và chính quyền địa phương tổ chức rà soát các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để các đồn Biên phòng tổ chức nhận đỡ đầu.

Ngoài ra, đại diện cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng đã xuống tận các gia đình để tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh học sinh về ý nghĩa của mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, từ đó, cùng đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Song song với sự đồng thuận của các gia đình học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các đồn Biên phòng đưa các em đi làm thủ tục theo đúng quy định, khám sức khỏe tổng thể cũng như lắng nghe tâm tư, tình cảm của gia đình và bản thân các em.

Đến nay, đã có 90 em có hoàn cảnh khó khăn được BĐBP Sơn La đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mở rộng đỡ đầu cho hàng chục học sinh của nước bạn Lào. Về mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, đã có 10 em được 5 đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi. Các nhà trường thường xuyên trao đổi với cán bộ BĐBP về kết quả học tập, rèn luyện của các em ở trường để triển khai mô hình đạt kết quả cao nhất.

- Để các chương trình, mô hình ngày càng phát huy hiệu quả tính nhân văn, trong giai đoạn tới, công tác phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” là cách làm hay, có tính nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, cần được quan tâm, nhân rộng hơn nữa để những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý thức vươn lên trong học tập sẽ có cơ hội được đến trường.

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La rà soát trên địa bàn biên giới tỉnh, phát hiện những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập để lựa chọn giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều em được thụ hưởng Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, BĐBP Sơn La đưa 2 con nuôi của đơn vị tới trường (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Kim Nhượng

Bên cạnh đó, các nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồn Biên phòng, lựa chọn các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ đủ tiêu chí để hỗ trợ theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ đạo các nhà trường theo dõi những em có kết quả học tập tốt để tạo điều kiện đưa đi học những lớp năng khiếu, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; phối hợp tốt trong vấn đề quản lý cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em khi ở trường cũng như trong đơn vị bộ đội.

Tháng 8-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã ký kết kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La cùng các cán bộ, chiến sĩ ở các đồn Biên phòng, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi ở vùng biên giới sẽ tiếp tục được giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất, trở thành các công dân có ích cho xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Kim Nhượng - Vì Hiện (thực hiện)

Bình luận

ZALO