Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 06:56 GMT+7

Nạn nhân mua bán người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa: Bị lừa vì thiếu hiểu biết

Biên phòng - Thời gian qua, trên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa (MN VSVX) liên tiếp xảy ra các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy đối với nạn nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự địa phương. Theo các cơ quan chức năng, phần lớn nạn nhân trong các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức xã hội cũng như pháp luật còn hạn chế, rất dễ bị các đối tượng tội phạm dụ dỗ, lôi kéo, lừa dẫn qua biên giới.

hkw0_7a
Hai đối tượng phạm tội mua bán người bị cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai bắt giữ, xử lý. Ảnh: Hạnh Ngân

Dễ dàng "sập bẫy"

Theo Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ đánh giá, tại MN VSVX hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trong số các nạn nhân bị mua bán người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ, cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm đang muốn thoát ly gia đình để mưu cầu cuộc sống đầy đủ hơn.

Phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm thì "muôn hình vạn trạng", song, chủ yếu vẫn là làm quen qua điện thoại, mạng xã hội hoặc tìm gặp trực tiếp để lừa gạt, dụ dỗ đi làm các công việc nhàn hạ với mức thu nhập cao, hoặc vờ yêu, sau đó lừa dẫn nạn nhân vượt biên giới ra nước ngoài, bán họ cho những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Vụ án mua bán người mới đây nhất xảy ra tại bản Huồi Thum (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mà đối tượng Moong Thị May Khăm (SN 1989), trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đóng vai trò "tác giả" là một ví dụ điển hình. Trong vụ án này, Khăm đã tìm cách tiếp cận nạn nhân là những nữ thanh niên người địa phương, dụ dỗ họ sang Trung Quốc lấy chồng.

Để thực hiện ý đồ đen tối của mình, Khăm "vẽ" ra trước mắt họ viễn tưởng về cuộc sống sung sướng ở bên kia biên giới và nếu đi thì còn có số tiền khá lớn gửi về giúp đỡ gia đình. Bằng cách này, 4 nạn nhân đã dễ dàng sập bẫy và bị "mẹ mìn" này bán sang Trung Quốc. Chỉ đến khi một trong 4 nạn nhân là Moong Thị Ly (SN 1996), trú tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi trốn thoát khỏi "nhà chồng" ở Trung Quốc, trở về Việt Nam tố cáo với cơ quan chức năng vào ngày 3-3-2017 thì Khăm mới bị sa lưới pháp luật, trong khi 3 nạn nhân khác vẫn chưa rõ tung tích.

Việc điều tra gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hầu hết các nạn nhân trong các vụ mua bán người ở MN VSVX bị các đối tượng phạm tội dẫn dắt sang Trung Quốc qua khu vực biên giới các tỉnh như Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn... Do tuyến biên giới này có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, địa hình hiểm trở, gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phòng chống tệ nạn mua bán người qua biên giới. Tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào, tình hình tội phạm buôn bán người cũng rất phức tạp do hoạt động giao thương khá nhộn nhịp - điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng đường du lịch, buôn bán lừa phỉnh, dụ dỗ các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin để bán vào cơ sở giải trí, mại dâm dọc tuyến biên giới.

Thực tế cho thấy, công tác điều tra gặp rất nhiều trở ngại do người bị bán đang ở nước ngoài nên các điều tra viên không thể trực tiếp gặp gỡ, lấy lời khai. Đó là chưa kể, nhiều nạn nhân bị khống chế hoặc không có tiền chuộc, địa chỉ bị mua bán không rõ ràng nên việc giải cứu gặp nhiều khó khăn, trong khi, để đưa các đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người ra ánh sáng pháp luật, cơ quan chức năng phải xác định được nạn nhân cụ thể.

Đây chính là lý do dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân tại MN VSVX thường chiếm tỷ lệ thấp so với các nạn nhân bị mua bán trót lọt. Xin đơn cử tại địa bàn tỉnh Yên Bái, trong năm 2016, có trên 230 phụ nữ được xác định là đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó, có hàng chục trường hợp vượt biên giới sang xứ người với mục đích lấy chồng hoặc bị lừa bán. Tuy nhiên, trong thời gian này, mới chỉ có 4 vụ, 10 đối tượng có hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh bị phát hiện, điều tra, số còn lại vẫn nằm trong diện "án chìm".

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Ngày 12-1-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã bắt giữ "mẹ mìn" Nguyễn Thị Mai (SN 1981, trú tại xã Phước Lộc, La Gi, Bình Thuận) vì hành vi lừa bán 16 phụ nữ, hầu hết đều là người sinh sống ở các địa phương nghèo khó cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Theo kết luận điều tra, Mai lấy chồng là một người đàn ông Trung Quốc nên khá rành về nhu cầu kiếm vợ người Việt Nam bên quốc gia của chồng. Mai thường xuyên về Việt Nam, đến các vùng nông thôn, vùng biển thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Bình Thuận để tìm "hàng", sau đó tìm cách đưa họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc qua khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh.

Nguyễn Thị Mai chỉ là một trong 523 đối tượng mua bán người bị "cất vó" trên địa bàn toàn quốc (với tổng cộng 383 vụ, 1.128 nạn nhân) trong năm 2016. Cũng như 16 nạn nhân của "mẹ mìn" này, trong số người bị hại chiếm phần lớn là phụ nữ, trẻ em ở MN VSVX. Song, đây mới chỉ là các nạn nhân được cơ quan chức năng phát hiện, giải cứu từ các chuyên án điều tra, trên thực tế, số nạn nhân bị bán ra nước ngoài còn lớn hơn nhiều. Qua những con số trên cho thấy tình hình tội phạm mua bán người ngày càng nghiêm trọng và gây nhức nhối trong xã hội.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để ngăn ngừa các vụ mua bán người nói chung, ở MN VSVX nói riêng, trước hết, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của các đối tượng xấu. Về phía chính quyền địa phương, phải có các biện pháp ngăn ngừa tội phạm ngay từ khi chưa xảy ra, nếu để đến lúc nạn nhân đã bị bán ra nước ngoài, thì việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Muốn vậy, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Thêm vào đó, cũng cần nhận thức rằng, đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Có như thế, mới có thể đạt được mục đích ngặn chặn và đẩy lùi loại tội phạm  nguy hiểm này.

Nguyễn Hạnh Ngân

Bình luận

ZALO