Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Nan giải công tác phòng chống cháy, nổ trên tàu cá

Biên phòng - Trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân ở nhiều địa phương bị cháy, nổ trong quá trình hành nghề trên biển hoặc neo đậu tại bờ. Những vụ tai nạn cháy, nổ tàu cá đã gây ra những tổn thất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng vấn đề nan giải vẫn là nhận thức của ngư dân trong công tác phòng chống cháy, nổ trên tàu cá còn hạn chế.

krul_6a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An hỗ trợ đưa các ngư dân trên tàu cá NA 91286TS bị nổ bình ga vào bờ cấp cứu. Ảnh: Ngọc Tân

Sự việc diễn ra ngày 10-3-2019, ở khu vực biển Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An khiến nhiều ngư dân trên địa bàn không khỏi lo lắng. Thời điểm đó, khi tàu cá NA 91286TS do ông Nguyễn Xuân Trường, khối Hải Bình, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò làm chủ cùng 5 thuyền viên đang hành nghề trên biển cách lạch Cửa Hội khoảng 2km thì bình ga bất ngờ phát nổ. Vụ nổ làm ông Trường cùng 5 thuyền viên khác bị thương nặng.

Ngay khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy, BĐBP Nghệ An đã điều động lực lượng phối hợp với Hải đội 2, BĐBP Nghệ An, chính quyền địa phương và các ngư dân khẩn trương cứu nạn, đưa các nạn nhân vào bờ. Sau khi được quân y BĐBP sơ cứu, các nạn nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị Nghệ An tiếp tục điều trị. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc nghiêm trọng được xác định là do rò rỉ khí ga trên tàu. 

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do cháy, nổ trên tàu cá. Đáng chú ý vào ngày 5-8-2018, tại cảng cá xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tàu cá NA 95959TS, do ông Lê văn Minh, trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai làm chủ đang chuẩn bị ra khơi thì bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa ban đầu phát ra từ khoang máy của con tàu, sau đó lan nhanh và bốc cháy dữ dội, cột khói cao hàng chục mét. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Công an thị xã Hoàng Mai đã điều động xe chữa cháy cùng 25 chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân địa phương đến để dập lửa.

Nhưng, do thời điểm xảy ra hỏa hoạn, phương tiện đang chứa gần 10.000 lít dầu diezel nên phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng mới khống chế được hoàn toàn ngọn lửa, không để lây lan sang các phương tiện xung quanh. Vụ việc tuy không gây thiệt hại về người, nhưng toàn bộ con tàu đã bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. 

Không chỉ ở Nghệ An mà tai nạn cháy, nổ trên tàu cá còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ nổ trên tàu cá QNg 96068 TS, vào đêm 17-10-2018, do ngư dân Trương Minh Kính, 46 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng. Thời điểm trên, tàu cá có 13 thuyền viên đang hành trình vào bờ, cách đảo Lý Sơn khoảng 6 hải lý thì bất ngờ phát nổ. Hậu quả, ngư dân Dương Minh Hùng, 21 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải tử vong tại chỗ; các thuyền viên còn lại đều bị thương nặng.

Nhận được thông tin, chính quyền xã An Hải phối hợp với cơ quan chức năng huyện Lý Sơn và tàu cá của ngư dân Đinh Văn Trọng khẩn trương ra đưa các thuyền viên bị thương đi cấp cứu và lai dắt con tàu bị nạn vào bờ. Nguyên nhân vụ tai nạn được nhận định là do nổ bình ga trên tàu. Theo thống kê của các ngành chức năng tại địa phương, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra trên 8 vụ cháy tàu cá, thiêu rụi 13 phương tiện, gây thiệt hại cho ngư dân hàng chục tỷ đồng. 

Từ thực tế điều tra các vụ cháy, nổ lực lượng chức năng chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện dẫn đến cháy, nổ bình ga trên các tàu cá. Cùng với đó là dầu và phương tiện như ngư lưới cụ trên tàu đều là những chất liệu dễ bùng cháy khi có nguồn lửa. Để ra khơi khai thác thủy sản, tùy theo công suất, mỗi tàu cá chứa khoảng từ 500 đến 4.000 lít dầu diezel và hàng chục bình gas.

Vì vậy, một khi không may xảy ra cháy, nổ thì công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bình ga phát nổ dễ gây thiệt hại về người, vì không gian trên tàu rất hẹp. Trong khi đó, ý thức về công tác phòng chống cháy, nổ trên tàu cá của ngư dân lại chưa cao. Thậm chí, một số chủ tàu còn có thái độ chủ quan với công tác phòng, chống cháy nổ trên các phương tiện tiền tỉ của mình.

Nói về công tác phòng chống, cháy nổ trên tàu cá, Đại úy Đinh Văn Tài, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 4, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Cháy nổ trên tàu cá dễ gây thiệt hại lớn về người và phương tiện cho ngư dân. Thế nhưng, công tác phòng, chống, chữa cháy, nổ lại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện và lao động thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển, nên việc tuyên truyền, tập huấn cho chủ tàu và thuyền viên gặp khó. Chúng tôi chưa có phương tiện chữa cháy chuyên dụng trên biển, nên rất khó cơ động khi làm nhiệm vụ. Trước hết, chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị BĐBP, chính quyền địa phương định hướng, xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ ở các bến, bãi tàu thuyền; hướng dẫn các gia đình, các chủ tàu phải tự trang bị phương tiện chữa cháy và tập huấn sử dụng phương tiện chữa cháy để chủ động trước các tình huống xảy ra, khi hành nghề trên biển; hướng dẫn cho các thuyền viên đảm bảo an toàn khi sử dụng bình ga để đun nấu trên tàu, thuyền”.

Viết Lam 

Bình luận

ZALO