Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:57 GMT+7

Năm mới, ngư dân ồ ạt đóng tàu

Biên phòng - Năm 2012, số tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đóng mới là 175 chiếc; năm 2013 là 188 chiếc và cải hoán là 319 chiếc. Bên cạnh đó là công suất máy và kích thước tàu tăng vượt trội. Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, các triền đà chật cứng những con tàu đang được hoàn thiện để hạ thủy đầu năm.  

10da1-1.JPG
Ngư dân sử dụng chân quạt khủng cho tàu lớn.
1 năm bằng 3 năm

Tại bãi đóng tàu của ông Lê Tấn Hùng, ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, không khí đóng tàu mới rầm rập và nóng hổi trên bãi đà. Những chiếc tàu đóng mới hoàn thành đang chuẩn bị hạ thủy để đi chuyến đầu năm. Cạnh đó là những sườn tàu mới vừa được dựng lên. "Một tàu bự cỡ đó nhưng chỉ 3 tháng là xong. Đóng tàu nhanh hơn người ta lợp nhà", ông Hùng, chủ triền đà cho biết.

Những năm trước đây, ông Hùng chỉ đóng hơn 15 chiếc tàu/năm. Bãi đà tập trung cho việc sơn, sửa, cải hoán tàu là chủ yếu. Nhưng kết sổ năm 2013, số tàu đóng mới lên đến 45 chiếc. Nhiều thuyền trưởng tiếp tục đến đặt hàng để hạ đà đóng nhiều tàu công suất lớn mà từ trước đến nay, ngư dân chưa bao giờ tính đến. Còn tại các bãi đà khác ở 2 bên sông Cổ Lũy, ngư dân không còn chỗ trống để có thể đóng tàu, do bãi đà nào cũng đang trong tình trạng quá tải.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.600 tàu cá. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số tàu thuyền đóng mới liên tục tăng. Năm 2012, số tàu thuyền đóng mới là 175 chiếc; năm 2013 là 188 chiếc và cải hoán 319 chiếc. Nhìn chung, số lượng tàu thuyền trong năm 2013 có sự thay đổi khá đột ngột, kể cả kích thước và công suất máy. Số máy tàu có công suất 250 mã lực dùng để đánh bắt xa bờ được cẩu lên bờ thay máy mới có công suất gấp đôi, gấp ba.

Cách đây một năm, ngư dân đóng mới thân tàu trị giá xấp xỉ khoảng một tỷ đồng thì được cho là tàu số một của làng chài. Tàu vỏ gỗ lớn nhất có chiều dài 19m, ngư dân không thể đóng tàu vỏ gỗ vượt trên 20m vì liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó có động cơ thủy có giá cực đắt. Mùa đánh bắt năm nay, tàu vỏ gỗ to nhất làng bắt đầu bị chê nhỏ, lỗi thời, không đủ sức vươn khơi vì tốc độ đánh bắt lưới lớn. Một thuyền trưởng cho biết: "600 tàu cá Nghĩa An đánh cá ở vịnh Bắc Bộ, thấy thua sút so với tàu ngư dân Trung Quốc. Giờ bà con chơi tàu lớn, một hai năm nữa, tiếp tục nâng lên để đánh bắt vượt họ tại vùng đánh bắt chung ở vịnh Bắc Bộ".

Vậy là cuộc đua về công suất máy và thân vỏ tàu bắt đầu được các thuyền trưởng thực hiện một cách chóng vánh vào dịp cuối năm 2013. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cho tàu cá với bài toán rất chắc chắn, khiến nhiều người phải kinh ngạc: "Đội tàu ở Nghĩa An và Nghĩa Phú ra vịnh Bắc Bộ làm dữ lắm. Nếu làm ăn bình bình thì chủ tàu cũng kiếm được một tỷ, nếu dư thì kiếm được vài tỷ/năm. Một mùa biển là thu hồi hết vốn đầu tư rồi dư ra một con tàu".

Đọ tàu vỏ thép

Nhiều thuyền trưởng kể lại. Trước đây, tàu vỏ gỗ dài 21m là của hiếm. Có tàu phải lắp đặt 2 máy, vì một máy thì không chạy nổi. Ngư dân không dám mơ tàu dài 25m bao giờ. Nhưng đến năm nay thì chuyện đó đã thành sự thật. "Tàu to sẽ bám biển dài ngày, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước", các thuyền trưởng tự hào.

Tại bãi đóng tàu của ông Lê Tấn Hùng, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa,  ngư dân Nguyễn Tiến Nam đang đóng cặp tàu lớn để vươn khơi bám biển dài ngày tại ngư trường vịnh Bắc Bộ, cho biết: "Tàu to nhưng mới xài 2 năm đã lỗi thời nên phải đóng tàu mới. Chiếc tàu mẹ dài 24,5m, tàu con dài gần 22m. Cặp tàu này trị giá 6 tỷ đồng sẽ hạ thủy đi biển sang năm mới". 

Để vận hành những vỏ tàu lớn, ngư dân đã lắp chân vịt đường kính hàng mét; máy tàu có công suất hơn 600 đến gần 1.000 mã lực. Thợ đóng tàu cho biết, máy lớn tương ứng với chiều dài, chiều ngang thân tàu. Tàu dài 25m thì tương ứng với chiều ngang 6,5m, chiều cao 3,5m (tàu cũ thường dài 19m, rộng 4,7m và cao 2,5m).

Đóng tàu vỏ lớn vượt trội, kỹ thuật vỏ tàu phải thêm bí quyết gì mới để tàu có kết cấu vững chắc? Phân tích về kỹ thuật của vỏ tàu dài, ông Hùng, chủ triền đà, cho biết: "Thay đổi rất nhiều, thân vỏ tàu phần giang đà hồi kia đóng gỗ có độ dày 6 phân, bây giờ đóng nâng lên 7 phân; be hồi kia đóng 4 phân, giờ đóng 5 phân; cốt tàu mình xài gỗ chuông 25cm, giờ tăng lên 32cm. Chỉ riêng phần vỏ đã trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Để đóng tàu có vỏ tốt, ngư dân chọn các loại gỗ sao mũ, gỗ chuồn, gỗ dẻ". Ngư dân Trần Văn Hường bỏ ra số tiền gần 3 tỷ đồng để đóng con tàu mới. Riêng chiếc tàu của anh đã ngốn hết gần 95 khối gỗ. Tàu vỏ thép đầu tiên hạ thủy cho ngư dân tỉnh Nam Định có chiều dài 25,46m thì tàu gỗ hiện nay đã có kích thước tương đương. Theo bà con ngư dân, nếu có cơ sở hậu cần đóng sửa tàu vỏ thép thì bà con sẽ mua tàu vỏ thép không mấy hồi. Vì một chiếc tàu vỏ thép trị giá gần 5 tỷ đồng, đối với ngư dân đánh bắt xa bờ ở Quảng Ngãi, số tiền đó mấy năm trước thấy lớn, bây giờ thì có thể bắt đầu làm được.
10ca1-1.JPG
Chiếc tàu tại triền đà Tấn Hùng có chiều dài 25m.

Biển bạc nuôi tàu to

Đầu tư cho tàu, khó khăn nhất của ngư dân thường gặp phải, đó là động cơ máy thủy. Từ trước đến nay, ngư dân chỉ xài loại máy thủy đã qua sử dụng được nhập vào thị trường Việt Nam.

Nhưng đến thời điểm hiện nay, các ngư dân cho biết đã bạo chi, mua hẳn máy nguyên đai nguyên kiện về sử dụng như tàu ngư dân các nước. Các chủ triền đà cho biết, "khoảng 60% ngư dân đóng tàu mới đã mua máy thùng về xài. Các loại máy thủy Nikita, Yangmar đều là những động cơ siêu bền, chạy nhiều năm liên tục vẫn không bị hỏng hóc nên ngư dân yên tâm khi gắn loại máy này". Lắp máy thủy nhập khẩu nguyên thùng, đối với ngư dân Quảng Ngãi, đây là sự thay đổi có tính chất bước ngoặt để phát triển nghề biển.

Ngư dân Quảng Ngãi mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn, do bà con đánh bắt thành công. Năm 2013, gần 20 đợt bão và áp thấp trên Biển Đông, ngư dân các tỉnh bạn lỗ dài vì phải chạy bão. Nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn đánh bắt đạt sản lượng 140.000 tấn hải sản các loại, tăng 10% so với năm trước. Tại xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, có 1.021 tàu cá, trong đó, 659 tàu có công suất từ 90 mã lực trở nên. Nhiều người gọi đây là làng biển tỷ phú. Mỗi năm ngư dân ở vùng biển này thu về hàng ngàn tỷ đồng. Ngư dân Lê Thanh Hùng nằm ở tốp đầu bảng cho biết "kiếm được 2,5 tỷ đồng, một năm đánh bắt dư một con tàu". Còn các ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đi hành nghề lặn hải sâm cho biết thêm "có phiên biển được chia phần 50 triệu đồng". Số tiền đó bằng một năm làm biển của ngư dân một số địa phương đánh bắt đơn thuần.
Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO