Biên phòng - Năm 2017, hạn hán, bão lũ, sâu bệnh hoành hành khắp các vùng miền của đất nước, nhưng ngành nông, lâm, thủy sản đã nỗ lực đạt giá trị xuất khẩu trên 36 tỉ USD, là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục tháo gỡ các “nút thắt” để đạt giá trị xuất khẩu 40 tỉ USD. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Cường cho biết:

“Chúng ta vượt khó để đi lên, đã đạt thặng dư tuyệt đối của năm 2017, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 8,55 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2016. Điều đó cho thấy tái cấu trúc ngành nông nghiệp của nước ta đang đi đúng hướng, theo hai nguyên tắc: Thứ nhất, nguyên tắc thị trường, kể cả thị trường trong nước, quan trọng hơn là thị trường thế giới với sức mua lớn. Thứ hai, nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn những đối tượng phù hợp theo từng vùng, từng miền để tập trung vào sản xuất. Năm 2017, tính tổng thể nông lâm, thủy sản đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 36 tỉ USD. Năm 2018, giải quyết tốt những “nút thắt” sẽ đạt con số 40 tỉ USD”.
“Xoay trục” nông nghiệp
PV: Đất nước đang thực hiện “xoay trục” nông nghiệp, nghĩa là không phụ thuộc quá nhiều vào sản lượng cây lúa. Bộ trưởng nói rõ cách “xoay trục” trong nông nghiệp như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta tiếp tục làm sâu sắc hơn những thành tựu đã đạt được, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, theo nguyên tắc chung của chuỗi giá trị. Do đó, ngành nông nghiệp chọn 3 trục sản phẩm, gồm: Trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và đặc sản cấp địa phương làm các mũi nhọn. Trục sản phẩm quốc gia là 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD; trục sản phẩm cấp tỉnh có quy mô hàng hóa lớn của cấp tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong, vải thiều Bắc Giang và cấp địa phương là mỗi làng một sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm... Chúng ta phải tập trung cao vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Tháo gỡ hai “nút thắt” mà chúng ta chưa làm tốt, đó là khâu phát triển nguyên liệu tập trung, đầu tư khâu chế biến thành phẩm; tiếp tục mở rộng thêm thị trường xuất khẩu rộng hơn. Năm 2018, sẽ khởi công xây dựng 5-6 nhà máy chế biến ở các vùng kinh tế trọng điểm, khoanh vùng những nhà máy lớn, với công suất đến 1 triệu tấn rau, củ, quả. Từ tiền đề các nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ định dạng vùng nguyên liệu, hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân, thông qua các hợp tác xã của mình.
PV: Vấn đề biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông lâm, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phòng ngừa ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhận định hai năm qua, diễn biến khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn và nhiều dị thường hơn cả kịch bản được dự đoán trước, gây tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp phải coi là vấn đề cơ bản để xây dựng các ngành hàng chủ lực. Lấy ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long trước đây là vựa nông sản, lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nay vì vấn đề trên, thứ tự các mặt hàng phải thay đổi thành thủy sản, trái cây, lúa gạo. Riêng với tôm, thị trường phát triển rất lớn, khi thế giới có 7 tỉ người, mỗi người chỉ cần ăn 1kg là tiêu thụ được 7 triệu tấn, trong khi con số hiện tại mới là 5 triệu tấn. Ngoài ra, tôm cũng được chọn làm ngành hàng chủ lực với mục tiêu xuất khẩu tới năm 2025 đạt 8-10 tỉ USD.
Đối mặt cánh cửa tự do thương mại
PV: Người nông dân có ba mối lo xuyên suốt: Con giống - phân bón - thị trường tiêu thụ, nếu giải quyết tốt các vấn đề này, họ sẽ giàu. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng vậy. Trong ngành nông nghiệp và thủy sản, yếu tố cây giống, con giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình sản xuất của người nông dân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ đã chỉ đạo các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học phải nỗ lực tạo ra những loại giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua đã nỗ lực lai tạo được nhiều giống lúa chịu trên vùng đất nhiễm mặn. Phân bón cũng đang là “điểm nóng” của nông dân về chất lượng và giá cả.
Sắp tới, Chính phủ sẽ có nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại theo hướng gọn bớt đầu mối sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phẩm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Hiện nay, cả nước có 14.000 sản phẩm phân bón, trong đó, 96% phân bón vô cơ. Bộ định hướng giảm dần phân bón vô cơ và tăng cường kiểm soát chất lượng. Về thị trường, hàng nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 nước, đạt giá trị trên 36 tỉ USD. Nếu quyết tâm cao, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực, an toàn... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

PV: Nhu cầu người tiêu dùng thế giới đang chuyển hướng sử dụng sản phẩm sản xuất theo con đường hữu cơ. Tới đây, Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế về tự do thương mại hàng hóa. Về lâu dài, nếu ta cứ “ôm” 96% phân bón vô cơ thì khó cạnh tranh với các nước?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là phong trào của thế giới, với 43 triệu ha diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ, giá trị thị trường vào khoảng 80 tỉ USD, với tốc độ phát triển những năm gần đây tăng rất nhanh. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chúng ta không chỉ tập trung phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, phục vụ người tiêu dùng, mà còn phải chú ý đến hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đi tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam”, kết hợp thực tiễn và khoa học sẽ có những biện pháp để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững. Giải pháp hàng đầu và cấp bách là phải hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chúng ta cần tận dụng được lợi thế về thị trường, về tài nguyên đa dạng sinh học và các mặt khác. Đồng thời, khắc phục được những điểm tồn tại hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam để làm sao đưa lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hải Luận