Biên phòng - Trong chuyến công du 3 nước châu Phi gồm Nam Phi, Congo và Rwanda của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuần trước, dư luận quốc tế dành nhiều sự quan tâm tới mong muốn khôi phục vị thế hùng mạnh của siêu cường quốc này tại châu Phi.
Nội dung quan trọng bậc nhất trong chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ là Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Phi cận Sahara với 4 ưu tiên quan trọng. Trước hết, Mỹ muốn thúc đẩy sự cởi mở, củng cố năng lực của từng quốc gia châu Phi, cũng như của cộng đồng các nước châu Phi. Theo các nhà phân tích, châu Phi hiện hữu sự cạnh tranh vị thế giữa các cường quốc dẫn tới việc các nước châu Phi có sự lựa chọn phe trục khác nhau.
Tiếp đó, Mỹ khẳng định sẽ sát cánh với lục địa trong việc phát triển gắn với thực thi và thúc đẩy dân chủ. Đây cũng là một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ưu tiên thứ 3 là phục hồi kinh tế hậu Covid-19 nhằm củng cố nền tảng cho các cơ hội phát triển bền vững trên diện rộng, cải thiện cuộc sống của người dân. Trong các thông điệp được đưa ra tại chuyến công du, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá, châu Phi là khu vực dễ bị tổn thương bởi tình trạng bất ổn về an ninh và dịch bệnh. Điển hình như đại dịch Covid-19 đã đẩy 55 triệu người châu Phi lâm vào cảnh nghèo đói. Đồng thời, bất ổn an ninh trên thế giới thời gian gần đây cũng khiến châu lục này có thêm hàng chục triệu người thiếu lương thực.
Cùng với đó, Mỹ mong muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại châu Phi nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Ưu tiên này của Mỹ đi kèm lời cam kết dành phần lớn khoản viện trợ hàng năm cho châu Phi (khoảng 3 tỷ USD) cho 17 trong tổng số 20 quốc gia tại khu vực cận Sahara dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo giới quan sát khu vực, kể từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã nhiều lần đưa ra sáng kiến, chiến lược đối với châu Phi. Điểm lại một số sáng kiến, chiến lược nổi bật của Mỹ trong những thập kỷ gần đây, các nhà phân tích cho biết, dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton là Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi; dưới thời Tổng thống George Bush là sáng kiến lập Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi; dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là Chiến lược thúc đẩy thịnh vượng, an ninh và ổn định cho châu Phi; dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là Chiến lược đối với khu vực châu Phi cận Sahara vừa được công bố.
Dẫu vậy, giới chuyên gia đánh giá, sự quan tâm và nỗ lực của Mỹ dành cho châu Phi vẫn chưa đủ để có thể gây dựng một tầm ảnh hưởng đáng kể. Điển hình trong đó, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, số đông quốc gia châu Phi vẫn thường bỏ phiếu khác với quan điểm của Mỹ. Trong lĩnh vực thương mại, năm 2021, tổng thương mại của Mỹ với châu Phi đạt khoảng 58 tỷ USD, chưa bằng một phần tư so với con số 251 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, đặc biệt là cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường quốc đang ngày càng khốc liệt, hơn lúc nào hết, Mỹ rất mong muốn củng cố vị thế của mình tại châu Phi vững mạnh hơn, ví dụ cụ thể cho điều này là 3 chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ trong vòng chưa đầy 1 năm.
Theo các nhà phân tích, các mục tiêu với châu Phi mà Mỹ hướng đến hiện xoay quanh 3 nội dung chính. Trước hết, các sáng kiến, chiến lược của Mỹ không chỉ là các tuyên bố, cam kết chính trị mà sẽ có cách tiếp cận thực dụng, gắn với cam kết tài chính cụ thể. Tiếp đó, Mỹ định hướng cạnh tranh trực tiếp nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Phi với các cường quốc khác.
Ở góc độ rộng hơn, việc “dồn lực” cho châu Phi hiện nay sẽ giúp Mỹ khẳng định được sức mạnh có thể can dự vào tất cả các khu vực trọng yếu trên thế giới, từ đó, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ cho nỗ lực tạo dựng vị thế bao trùm toàn cầu. Song, để hiện thực hóa những mục tiêu này, Mỹ sẽ cần dành nguồn lực khổng lồ và việc thực hiện phải đủ quyết liệt.
Thanh Trúc