Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 08:06 GMT+7

Mỹ và Pakistan sẽ “ăn miếng trả miếng”?

Biên phòng - Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Pakistan tiếp tục leo thang sau khi giới chức Pakistan đang cân nhắc phương án phong tỏa việc tiếp vận cho các binh sĩ Mỹ được triển khai tại Afghanistan thông qua lãnh thổ của nước này.

5a5458abf9ff1953a8000771
Cửa khẩu Torkham (tỉnh Nangarhar) của Afghanistan là một trong hai cửa khẩu chính giữa Pakistan và Afghanistan. Ảnh: AFP

Những ngày đầu năm 2018, quan hệ Mỹ-Pakistan tụt dốc không phanh khi những dòng tweet đầu năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Islamabad “không giúp ích gì Mỹ mà chỉ là những lời nói dối và lừa gạt, đồng thời cho rằng việc Mỹ viện trợ 33 tỷ USD cho Pakistan trong vòng 15 năm qua là “ngốc nghếch”. Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan tiếp tục xấu đi khi ngày 4-1 Washington tuyên bố đình chỉ việc chuyển giao trang thiết bị quân sự và hỗ trợ an ninh cho Islamabad nhằm đáp trả các biện pháp không đủ của chính quyền Pakistan trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố.

Ngay sau đó, Pakistan đã lên tiếng phản đối, đồng thời cân nhắc biện pháp trả đũa. Theo tờ The Nation của Pakistan số ra ngày 8-1, Islamabad đang thảo luận về bước đi này, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngay cả Mỹ cũng thừa hiểu, biện pháp cứng rắn mà Islamabad là gì.

Trên thực tế, từ 16 năm qua, Mỹ can thiệp vào Afghanistan và trong trường hợp Pakistan đóng cửa biên giới với Afghanistan và cảng Karachi, Mỹ không thể tiếp vận cho liên quân quốc tế tại Afghanistan. Kịch bản này từng xảy ra hồi năm 2011, sau một loạt sự cố ngoại giao giữa Washington và Islamabad. Nghiêm trọng nhất là vụ Mỹ bí mật mở chiến dịch triệt hại trùm khủng bố Osama Bin Laden tại thị trấn Abbottabad mà không thông báo cho chính quyền Pakistan. Khi đó liên quân quốc tế, được đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ đã phải sử dụng căn cứ không quân tại Kirgistan và đường bộ xuyên qua lãnh thổ Nga và nhiều nước Trung Á.

Tuy nhiên, theo bà Christine Fair, chuyên gia về khu vực Trung Á thuộc Đại học Georgetown của Mỹ, hiện nay liên quân quốc tế không thể sử dụng căn cứ quân sự tại Kirgistan do cơ sở này đã đóng cửa từ năm 2014. Trong khi đó, tiếp vận qua ngả Trung Á cũng trở nên rủi ro hơn trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang xuống cấp một cách tệ hại.

Theo nhận định của giới quan sát, nằm ở vị trí chiến lược, Pakistan là tuyến đường tiếp tế quan trọng cung cấp tới lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Vì thế, nếu quan hệ Mỹ - Pakistan tiếp tục căng thẳng như hiện nay, tình hình Nam Á rất có thể sẽ “rất nóng”. Khi đó, để ổn định tình hình tại Afghanistan, có thể Mỹ bắt buộc phải chi gấp 10 lần hoặc hơn thế nữa số tiền 255 triệu USD cắt viện trợ cho Pakistan.

Đó là chưa kể tới việc Mỹ sẽ mất đi một đồng minh thân cận ở khu vực Nam Á này. Nhiều nhà phân tích Pakistan cho rằng, bước đi của Mỹ đang đẩy Pakistan gần Trung Quốc hơn với các dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng lên đến 60 tỉ USD theo chương trình "Một vành đai - một con đường”. Ngay sau khi Mỹ cắt viện trợ cho Pakistan, quốc gia Nam Á này cho biết đã sẽ sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) cho các hoạt động thương mại và đầu tư song phương với Trung Quốc.

Theo tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước Pakistan, NDT là một ngoại tệ đã được chấp thuận trong các giao địch bằng ngoại tệ ở Pakistan, được sử dụng trong các giao dịch thương mại và đầu tư như mở tín dụng thư (L/C) và được xem giống như các ngoại tệ khác như đồng USD, euro và đồng Yên.

Một động thái khác cho thấy Pakistan và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau. Đó là Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Gwada thuộc tỉnh Balochistan, do tàu thuyền quân sự cần những "dịch vụ đặc biệt" mà các cơ sở hiện tại không thể đáp ứng.

Do đó, việc Mỹ và Pakistan có những hành động trả đũa chỉ làm phức tạp tình hình và khiến Mỹ phải gánh thêm nhiều rủi ro.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO