Biên phòng - Ngày 16-6, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, Mỹ sẽ triển khai 275 quân nhân tới I-rắc để hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho các nhân viên Mỹ và Đại sứ quán nước này ở Bát-đa. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Thủ đô Bát-đa bị đe dọa tấn công bởi các tay súng của phong trào Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông (ISIL).
![]() |
Các chiến binh thuộc phong trào Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận Đông (ISIL) ở thành phố Ba-xra, cách Bát-đa khoảng 550km. Ảnh: AP |
Tổng thống Ô-ba-ma cho biết, 275 quân nhân này, gồm lính thủy đánh bộ và lục quân, sẽ lưu lại I-rắc cho đến khi tình hình an ninh được cải thiện và Mỹ sẽ không triển khai lực lượng tác chiến trên chiến trường tại I-rắc, đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến mới.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ triển khai thêm 100 lính tại một quốc gia láng giềng thứ ba, để có thể huy động trong trường hợp khẩn cấp. Nhà Trắng cũng đang cân nhắc kế hoạch điều động thêm lực lượng đặc biệt, ứng phó với tình huống khẩn cấp sang I-rắc để thực thi các nhiệm vụ quân sự có giới hạn, gồm huấn luyện và cố vấn cho quân đội I-rắc hiện đang rất suy yếu sau khi bị ISIL tấn công.
Những động thái mới này cho thấy mức độ sẵn sàng can thiệp của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma đối với I-rắc, mặc dù cho đến nay, Oa-sinh-tơn vẫn bác bỏ khả năng tham chiến trực tiếp trên chiến trường.
Cùng ngày, Tổng thống Ô-ba-ma đã nhóm họp với toàn bộ nhóm cố vấn an ninh quốc gia, để thảo luận về mối đe dọa từ các phần tử nổi dậy Hồi giáo dòng Xăn-ni đối với I-rắc.
Trong bối cảnh tình hình an ninh I-rắc đang diễn biến nghiêm trọng, sau khi tổ chức ISIL giành quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn tại quốc gia này, khả năng Mỹ và I-ran hợp tác để hỗ trợ Chính phủ I-rắc vẫn chưa rõ ràng, do hai bên đều chưa tỏ ra sẵn sàng kết nối với nhau.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Giôn Cơ-bi cho biết, Oa-sinh-tơn có thể thảo luận với Tê-hê-ran về khủng hoảng an ninh ở I-rắc, nhưng không có kế hoạch tham vấn I-ran về các hoạt động quân sự ở I-rắc.
Đề cập đến khả năng hợp tác với I-ran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki kêu gọi Tê-hê-ran hành động theo con đường "phi giáo phái", khi nước này can dự vào cuộc khủng hoảng an ninh tại quốc gia láng giềng I-rắc.
Theo bà, mọi cuộc thảo luận với I-ran sẽ tập trung vào yếu tố chính trị, hỗ trợ các nhà lãnh đạo I-rắc hành động có trách nhiệm, theo tinh thần phi giáo phái và thiết lập được một Chính phủ nhiều thành phần, đối xử bình đẳng với tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Oa-sinh-tơn sẽ không ủng hộ việc Tê-hê-ran đưa lực lượng tinh nhuệ vào I-rắc, một động thái mà I-ran đã từng đề cập, nhằm hỗ trợ Chính phủ của Thủ tướng An Ma-li-ki đối phó với ISIL.
Tổng thống I-ran Hát-xan Râu-ha-ni khẳng định, I-ran sẽ cân nhắc nghiêm túc về khả năng hợp tác với Mỹ, nếu như nhận thấy Oa-sinh-tơn có quyết tâm chống khủng bố ở I-rắc và cả ở các quốc gia khác. Tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà nước I-ran được cho là đặt điều kiện với Mỹ về vấn đề Xy-ri, nơi ISIL cũng là một bộ phận của quân nổi dậy chống chính quyền Xy-ri của Tổng thống Ba-sa An Át-xát.
Trước tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở I-rắc, Liên hiệp quốc đã di chuyển hàng chục nhân viên ra khỏi thủ đô Bát-đa. Phát ngôn viên Pha-han Ha cho biết, 58 trong số 200 nhân viên quốc tế làm việc cho Liên hiệp quốc ở trong và quanh khu vực Bát-đa, "đã được di chuyển tạm thời tới các khu vực khác".
Phái bộ Liên hiệp quốc sẽ tiếp tục hoạt động ở I-rắc, bất chấp giao tranh bùng phát giữa phe thánh chiến Hồi giáo và lực lượng an ninh I-rắc.