Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 05:46 GMT+7

Mỹ ra “tối hậu thư” bằng máy bay B52

Biên phòng - Mới đây, Chính phủ Mỹ công bố cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Nixon với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger về việc sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, ông Nixon có ý muốn sử dụng cả bom nguyên tử nghiền nát miền Bắc Việt Nam. Đây được xem là tài liệu “siêu tuyệt mật” thời đó.

sh1d_11
Đơn vị tên lửa của quân ta sẵn sàng bắn hạ “pháo đài bay” B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Nixon nói - trong cuốn băng: “...Chúng ta phải tập trung vào những chiến dịch ném bom toàn diện và sẽ kéo dài cho tới khi... Và khi tôi nói ném bom toàn diện, tôi đang nghĩ xa hơn... Tôi đang nghĩ đến đê điều, đường sắt và dĩ nhiên là bến cảng...”.

Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger tiếp lời:

 - Tôi đồng ý với ngài.

Tổng thống Nixon nói:

- ...Chúng ta phải dùng lực lượng lớn tấn công....

Tung “át chủ bài” cuối cùng

Hai giờ sau, vào buổi trưa, Tổng thống Mỹ Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Kissinger tiếp tục thảo luận:

Tổng thống Mỹ Nixon:

- Ở Lào, ta tiêu diệt được bao nhiêu quân đối phương?

- Khoảng 10.000 đến 15.000... - Ông Kissinger trả lời.

- Nghe này, kế hoạch tấn công miền Bắc Việt Nam mà chúng ta đang nghĩ đến... nhà máy điện, những kho xăng dầu còn lại, bến cảng... Và tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta phải ném bom cả đê điều. Liệu họ có chết đuối không?

- Khoảng 200.000 người sẽ chết đuối.

- Không được, không được... Tôi thà dùng bom nguyên tử còn hơn. Anh hiểu không, Henry?

- Vâng, tôi hiểu, thế thì trầm trọng quá.

- Anh không thích bom nguyên tử à?... Tôi muốn anh suy nghĩ rộng ra.

Vài hôm sau, Kissinger trình bày về ưu điểm của việc kết hợp ném bom và phong tỏa miền Bắc Việt Nam, Tổng thống Mỹ Nixon đã đồng ý và kết luận: “Phong tỏa kết hợp với ném bom tọa độ sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu, khiến Bắc Việt Nam phải “quỳ gối”... Dưới sức ép của ta, Việt cộng sẽ phải trao trả tù binh cho chúng ta. Nước Mỹ không hề thất trận. Chúng ta không được phép thua ở Việt Nam... Kế hoạch ném bom tọa độ cũng được thôi, nhưng tôi muốn biến nơi đó thành cát bụi. Nếu chúng ta đã ra tay thì phải dội bom lên đối phương ở khắp mọi nơi. Ném bom đi, hãy ném bom đi... Chúng ta sẽ nghiền nát Bắc Việt Nam”.

Trong cuộc trao đổi sau này, Tổng thống Mỹ Nixon nhận định với Kissinger: “Điều duy nhất tôi và anh bất đồng... là chuyện ném bom. Anh quá để tâm đến dân thường, còn tôi thì cóc cần. Tôi không quan tâm”. Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger nhẹ nhàng đáp: “Tôi quan tâm đến dân thường vì tôi không muốn thế giới coi ngài là kẻ “đồ tể” và dựa vào đó để chống ngài”.

Tổng thống Nixon đã cho thành lập Bộ Chỉ huy Sư đoàn Không quân chiến lược lâm thời số 57. Theo kế hoạch vạch sẵn: Máy bay B52 sẽ cất cánh từ căn cứ Guam, Philippines (căn cứ của Mỹ) bay vào Biển Đông, 50 chiếc máy bay từ tàu sân bay sẵn sàng bay lên tiếp dầu trên không cho B52. Hàng chục chiếc máy bay nhỏ bay tầng dưới B52 thả thiết bị gây nhiễu radar mặt đất của Việt cộng. Mặt khác, hàng chục chiếc máy bay cường kích, kiêm kích cùng tham chiến, nhằm làm “rối loạn” trận địa mặt đất. Trên vịnh Bắc bộ, Mỹ huy động 5 tàu sân bay cùng hoạt động. Ngày 14-12-1972, tại Nhà Trắng, Tổng thống Nixon quyết định mở chiến dịch Linebacker II, sử dụng máy bay chiến lược B52 ném bom bắn phá Hà Nội, Hải Phòng. Đây được xem là “át chủ bài” cuối cùng của Mỹ.

Đảo ngược tình thế

Chiều 18-12-1972, chuyên cơ chở ông Lê Đức Thọ và phái đoàn đàm phán của Việt Nam về Hiệp định Paris vừa mới đáp xuống sân bay Gia Lâm. 17 giờ cùng ngày, Tổng thống Nixon gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam như một “tối hậu thư” của sức mạnh máy bay B52, ông ta hạn trong 72 giờ, đoàn ngoại giao của ta phải quay lại Paris, Pháp để đàm phán theo điều khoản của Mỹ.

Bắt đầu 19 giờ, ngày 18-12, máy bay chiến lược B52 đồng loạt ném bom rải thảm Hà Nội.

Hơn 20 giờ, Phó Tư lệnh Phòng không - Không quân Nguyễn Quang Bích điện báo cáo trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Báo cáo Đại tướng, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B52”.

- Có đúng B52 không? - Đại tướng hỏi lại.

- Báo cáo, đúng là B52. Đây là B52G cất cánh từ Guam. Nơi B52G rơi xuống ở xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tin quân ta bắn hạ chiếc máy bay B52 đã xé toang bầu không khí nặng nề, căng thẳng ở Bộ Tổng hành dinh. B52 không còn “bất khả xâm phạm” trên bầu trời mà chính quyền Mỹ đã từng rêu rao.

Theo thống kê của Mỹ, trong suốt 11 ngày đêm (trừ đêm Giáng sinh), Mỹ đã ném 20.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng... với cái gọi là sẽ “nghiền nát” Bắc Việt Nam như lời của Tổng thống Nixon tuyên bố. Kể cả phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều khu vực dân thường của Hà Nội cũng bị bom Mỹ san phẳng. Tổng thống Mỹ Nixon phải chua xót nhận thất bại, trước ý chí kiên cường của dân và quân Việt Nam. Ta đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52 (thời điểm đó, cả nước Mỹ có tổng cộng 200 máy bay B52). Mỹ đã tổn thất 15% về không quân chiến lược, đây là thất bại thảm hại của Mỹ.

Uy thế không lực Hoa Kỳ bị sụp đổ. Hy vọng thương lượng, đàm phán trên thế mạnh, thế áp đảo của Mỹ cũng sụp đổ theo. Tổng thống Nixon đã thúc ép Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải ký hiệp định ngay, bằng bất cứ giá nào. Tổng thống Nixon gửi cho Nguyễn Văn Thiệu một bức thư trong tuyệt vọng: “...Cho tôi nhấn mạnh để kết thúc rằng, tướng Haldeman không đến Sài Gòn để đàm phán với ngài... Tôi tin chắc sự từ chối của ngài hợp tác với chúng tôi sẽ đưa đến thảm họa, mất tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu bên nhau để giành được thập kỷ qua. Nó sẽ không tha thứ được vì chúng ta sẽ mất đi một giải pháp vinh dự và công bằng”.

Theo lệnh của Tổng thống Nixon, “mưu sĩ” Kissinger phải trở lại Pháp để tham dự hội nghị đàm phán với phái đoàn của Việt Nam. Ngày 27-1-1973, cố vấn an ninh quốc gia Kissinger đã thay mặt Chính phủ Mỹ đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Kết thúc buổi ký Hiệp định, ông Giôn-nê-rô-pôn, trợ lý của cố vấn an ninh quốc gia Kissinger về Việt Nam, cay đắng thốt lên: “Chúng ta ném bom miền Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ vô điều kiện”.

Năm 1968, Bác Hồ đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Người căn dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Chấp hành Chỉ thị của Bác, Bộ Quốc phòng đã cử nhiều đơn vị vào chiến trường Khu 4 để nghiên cứu cách đánh máy bay B52. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay B52. Chính vì vậy, ngay giờ đầu tiên đợt công kích, ta đã bắn hạ “pháo đài bay” B52 của Mỹ.

Hải Luận

Bình luận

ZALO